Dec 30, 2014

BỊA ĐẶT LỐ BỊCH

        Tre Việt - Trên trang Ba Sàm ngày 28-12-2014 xuất hiện bài: “Quyền Công Dân, Quyền Con Người ở Việt Nam chỉ là bánh vẽ” ghi lại cuộc phỏng vấn giữa người được gọi là “nhà báo” Trần Quang Thành với người được coi là “linh mục” Phan Văn Lợi. Đọc bài viết thấy cách đưa đẩy giữa người hỏi và người trả lời rất hợp cạ, thực chất là ngụy biện, vu cáo, hùa nhau “ăn không nói có”, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ cộng sản.
Theo kịch bản mà họ dàn dựng để hỏi và trả lời theo kiểu “tung hứng” là đi từ phủ nhận một số điều đã được ghi trong các bản Hiến pháp nước ta, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, họ cho rằng, dù quyền con người, quyền công dân có được ghi trong Hiến pháp thì trong thực tế cũng không được thực hiện bởi các quy định của văn bản dưới luật. Họ nói rằng: “Hiến pháp ghi con người có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Nhưng Pháp lệnh 2004 và Nghị định 2012 đã tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do tôn giáo”; “người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu. Nhưng chính Luật Báo chí và các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự, như: điều 79, 88, 258 đã ngăn cản hoàn toàn điều tự do này”. Vậy phải chăng điều họ nói là đúng? Không. Họ đã sai to. Nghiên cứu “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” chúng ta thấy quyền con người có hai loại: Các quyền tuyệt đối các quyền bị hạn chế. Trong đó, các quyền bị hạn chế, như: “Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú” (Điều 12); “Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” (Điều 18); “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình” (Điều 19), “Quyền hội họp hòa bình…” (Điều 21); “Quyền lập hội” (Điều 22), v.v. Công ước trên quy định: việc thực hiện những quyền trên “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và phải chịu một số hạn chế nhất định, vì sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”[1]. Đặc biệt điều đó được thể hiện rõ trong “Tuyên bố Viên (Áo) và Chương trình hành động” (văn kiện Hội nghị quốc tế về quyền con người, tại Viên năm 1993), cộng đồng quốc tế cũng khẳng định: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt… Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực về lịch sử, văn hóa và tôn giáo…”[2]. Điều đó cho thấy, giữa Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam quy định về quyền con người và nghĩa vụ công dân hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế nói trên.
          Khi hỏi: Có một số người nói rằng Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp của ta. Trong một bài viết phân biệt giữa ta và giặc có người nói Ta là những ai đi theo Hiến pháp 1946 và đi theo Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì Phan Văn Lợi cho rằng, “Ta ở đây phải là toàn dân Việt Nam bất kể là ai. Ta ở đây là tất cả những con người sống trên dải đất hình chữ S”. Đặc biệt những ai đã từng bị “bức hại” vì chế độ cộng sản, vì sự “toàn trị” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, Phan Văn Lợi đã nhập nhèm “đánh lật con đen”, khi cho rằng toàn dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ phải đều có chung một bản hiến pháp. Vì bản Hiến pháp năm 1946 mãi đến năm 1980 nước ta mới có bản Hiến pháp khác (Hiến pháp 1980). Trong thời gian này, trên dải đất hình chữ S không chỉ có nhân dân Việt Nam sinh sống mà còn các thế lực xâm lược ngoại bang. Thật là xuẩn ngốc. Không có nơi nào trên trái đất này giữa kẻ đi xâm lược với người bị xâm lược lại có chung một bản hiến pháp cả. Hơn nữa, với bất cứ quốc gia nào cũng đều có các tổ chức ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế cư trú và hoạt động. Vậy trả nhẽ những tổ chức quốc tế này với nhân dân nước sở tại cũng đều có chung bản hiến pháp sao? Thật là phi lý.
          Họ cho rằng với nước ta thực hiện án tử hình là không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới: Trên thế giới phần lớn các nước văn minh người ta đã bỏ án tử hình rồi, nhưng Việt Nam và các nước cộng sản rất muốn giữ. Vì “chế độ này là uy hiếp con người”. Đúng là quyền được sống là một trong những quyền tuyệt đối: Không ai bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ. Nhưng cần phải hiểu rằng, trình độ pháp luật cũng như nhận thức về luật pháp dựa trên trình độ phát triển của kinh tế. Với Việt Nam trình độ kinh tế phát triển còn thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới, theo đó trình độ nhận thức về luật pháp và pháp luật cũng chưa hoàn thiện ngay được. Do vậy, trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định, việc duy trì án tử hình là cần thiết. Bởi, nó có thể không nhân đạo với một hoặc một số người, nhưng lại nhân văn với hàng trăm, hàng nghìn người. Chẳng hạn như tội buôn bán cái chết trắng thì nó đã hủy hoại không biết bao nhiêu người cùng gia đình họ. Cho nên, trong những trường hợp cụ thể thực hiện án tử hình để bàn tay tội lỗi của kẻ phạm pháp không gây ra cho nhiều người khác. Vậy là, không nhân đạo với kẻ phạm tội, nhưng nhân đạo với hàng trăm, hàng nghìn người lương thiện. Trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể việc thi hành tử hình với kẻ trọng tội âu cũng là cần thiết.
          Họ nhắm mắt nói bừa rằng: Mấy nghìn năm dân tộc phải chống lại đô hộ Tàu và thực dân Pháp, nhưng không có thời nào người dân Việt Nam lại chết nhiều như dưới thời cộng sản. Thử hỏi, nếu không có cộng sản thì nạn đói năm 1945 cướp đi sinh mạng của 2 triệu người Việt Nam (dân số nước ta lúc đó khoảng 20 triệu người), chiếm 1/10 dân số cả nước do Cộng sản chắc? Ngược lại, không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì không biết sẽ còn có bao nhiêu người dân nước Việt phải chịu cảnh chết đói, chết rét nữa. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với Luật 10-59 Mỹ Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam tàn sát biết bao đồng bào mình. Và nhiều bom đạn của Mỹ ném xuống miền Bắc, niềm Nam gây ra biết bao cái chế tức tưởi, oan uổng của em thơ, phụ nữ, người già,… đến nay chưa giải quyết xong hậu quả. Sao mấy người không mở mắt ra mà cứ nhắm mắt nói liều vậy?
          Trơ chẽn thay, họ cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự cho mình là có chính nghĩa. Đi “xâm lăng” nước khác thì gọi là đi làm nhiệm vụ quốc tế như là qua Cam-pu-chia. Sao họ cố tình làm ngơ, không thấy, nhân dân Cam-pu-chia ngày nay luôn ghi nhớ công ơn “Bộ đội nhà Phật” - Quân tình nguyện Việt Nam đã cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng, làm hồi sinh đất nước Chùa Tháp như ngày nay?
          Khi nhân dân miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa con em vào “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” ở miền Nam thì họ phê phán: “đi đánh miền Nam thì gọi là giải phóng” (!) Xin thưa, Donald Duncan là một người có tư tưởng chống cộng cứng rắn trước khi anh đến Việt Nam, nhưng đã rời khỏi Việt Nam trước 9 tháng, bởi những gì đã trải qua ở đó đã thay đổi con người anh. Duncan đã xuất bản một bản cáo trạng có sức mạnh lớn về cuộc chiến tranh trong Tạp chí Ramparts (tháng 02-1965); trong đó, viết: “Tôi đã phải chấp nhận rằng… đại đa số người dân là những người ủng hộ Việt Cộng và chống lại chính quyền Sài Gòn. Tôi cũng phải chấp nhận rằng quan điểm: “Chúng tôi ở Việt Nam bởi vì chúng tôi thông cảm với những khát vọng và ước muốn của người dân Việt Nam”, là một lời dối trá”[3]. Vậy là, những dòng trên của Donald Duncan đã bác bỏ sự bịa đặt của những kẻ “ăn không nói có”./.



[1] - Viện nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr. 258.
[2] - Viện nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002,  tr 44.
[3] Joe Allen - Việt Nam cuộc chiến thất bại của Mỹ, Nxb Công an nhân dân (người dịch: Đào Tuấn), H.2009, tr. 275 - 276.

Dec 17, 2014

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh không còn xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Tre Việt - Đầu tháng 12-2014, trên các trang mạng xuất hiện lá thư của ông Nguyễn Trọng Vĩnh gửi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Trong lá thư này, ông Vĩnh đưa ra quy kết Việt Nam hiện nay là “kinh tế lệ thuộc nước ngoài”, “dân nghèo nước yếu”,… Và nguyên nhân của nó theo ông ta là “do đường lối của Đảng có sai lầm”(!) Ông đòi Đảng phải từ bỏ “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin”, từ bỏ “xây dựng CNXH”(!)
Theo Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia (tiếng Việt), ông Nguyễn Trọng Vĩnh là đảng viên Đảng CSVN từ năm 1937; từng giữ những chức vụ, như: Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở Trung Quốc, kiêm nhiệm Pa-kít-tăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam,...  Liệt kê những chức vụ, trọng trách to tướng như trên để muốn nói rằng đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh có đủ nhận thức về hành động của mình đúng hay sai và có còn xứng đáng là đảng viên của Đảng CSVN.
Phải khẳng định ngay rằng, những nội dung ông Vĩnh đưa ra trong thư là đi ngược lại Cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sai sự thật, quy kết hồ đồ, thậm chí có ý đồ xấu. Với hành động này, ông Nguyễn Trọng Vĩnh không còn xứng đáng là đảng viên Đảng CSVN. Bởi lẽ ông đã không chỉ vi phạm, mà còn nhiều lần tái phạm Điều lệ Đảng CSVN (khóa XI) và Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về những điều đảng viên không được làm”. Điều 2, Điều lệ Đảng CSVN quy định đảng viên phải: Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước,… Theo Điểm 1, Quy định 47-QĐ/TW, đảng viên không được: Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép. Theo Điểm 2, Quy định trên, đảng viên không được: cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước,… tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi dục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nên nhớ rằng, mọi đảng viên Đảng CSVN bất kể ở cương vị nào nếu vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định của Đảng đều phải bị nhắc nhở, kỷ luật, nếu không chịu sửa chữa khuyết điểm, tái phạm nhiều lần thì phải khai trừ ra khỏi Đảng. Vì thế, dù ông là đảng viên lão thành, từng giữ những trọng trách như trên cũng nhất định phải bị kỷ luật về Đảng.
Thực tế cho thấy, từ khi ra đời đến nay, Đảng CSVN luôn lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH để tập hợp, lãnh đạo nhân dân thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến vào thời kỳ quá độ lên CNXH với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với đường lối chính trị đúng đắn, tổ chức triển khai sáng tạo, Đảng CSVN đã và đang lãnh đạo nhân dân ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, đất nước ta đã độc lập, nhân dân Việt Nam đã thoát khỏi kiếp nô lệ, lầm than, vươn lên làm chủ vận mệnh của mình, chủ động góp công sức của mình thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là sự thật không thể bác bỏ!
Có phải ông Nguyên Trọng Vĩnh không biết, không hiểu, hay ông cố tình không biết, không hiểu về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước hiện nay? Xin đưa ra mấy con số để ông biết: nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua đói nghèo, trở thành nước có nền kinh tế phát triển trung bình. Từ năm 1986-1990, tổng thu nhập quốc dân (GDP) tăng khoảng 4,5%/năm; từ năm 1991-1995, GDP tăng bình quân 8,2%/năm; từ 1996-200, GDP tăng 7,1%/năm; 2001-2011, GDP tăng 7,26%. Theo số liệu báo cáo tại Diến đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam, năm 2013, GDP Việt Nam khoảng 176 tỷ USD/năm (còn theo cách tính PPP của WB thì GDP của Việt Nam khoảng 333 tỷ USD/năm, đứng thứ 43 trên thế giới), thu nhập bình quân gần 2000 USD/người/năm (trong khi đó năm 2002 thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 1.600 USD/người/năm). Như vậy, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, ổn định, tiềm lực kinh tế ngày càng lớn. Hiên nay Việt Nam đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện vời nhiều nước trên thế giới, trong đó có 05 nước Thường trực Liên hợp quốc. Việt Nam đã là thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới và khu vực, như: Liên hợp quốc và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Ủy viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc Các nước; ASEAN,… Các tổ chức quốc tế trên thế giới và khu vực đều đánh giá Việt Nam có nền kinh tế phát triển năng động, nhanh, ổn định, bền vững cao; chính trị xã hội ổn định, luật pháp rõ ràng, quyền con người, quyền công dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Vì thế, đã có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam, các nguồn vốn ODA, FDI… liên tục chảy về Việt Nam. Việt Nam là nước được Liên Hợp quốc đánh giá cao về thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo,… Những điều này khẳng định, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, nhưng Việt Nam luôn chủ động hội nhập, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh, bền vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đây là thực tế khách quan khẳng định: Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng CSVN là đúng đắn; đất nước ta có nền kinh tế tự chủ, phát triển năng động, bền vững; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đất nước, con người Việt Nam đều được đổi mới, vị thế không ngừng được nâng lên trên thế giới.
Và như vậy, việc ông Vĩnh đưa ra quy kết, như: “đường lối của Đảng có sai lầm”; “kinh tế Việt Nam phụ thuộc nước ngoài”,… là hồ đồ, hoàn toàn không đúng sự thật, là vu cáo Đảng, Nhà nước ta!
Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích trong tác phâm Làm gì của Leenin: “ Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Và Người cũng nhấn mạnh, là người cách mệnh, tự mình phải… Giữ chủ nghĩa cho vững”. Vậy xin thưa, ông đòi Đảng CSVN từ bỏ Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tức là từ bỏ lý luận tiền phong, từ bỏ trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội của mình(!) Thật ảo tưởng!
Ông không còn xứng đảng là đảng viên Đảng CSVN nữa!

Dec 9, 2014

ĐỪNG CÓ “ĂN ỐC NÓI MÒ”

 

         Tre việt - Xung quanh việc ông Nguyễn Quang Lập, blgogger Quê Choa bị công an bắt hôm 06-12 vừa qua, có một số ý kiến khác nhau. Việc bắt giữ đó đúng hay sai, khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng xin đừng suy diễn theo kiểu “ăn ốc nói mò”.
          Ngày 07/12 trên BBC tiếng Việt đăng bài viết “Vợ Bọ Lập[1] “bất đồng” với Bộ Công an”, ngày 08/12, lại được trang Ba Sàm đăng lại bài viết này. Qua bài viết thấy một số ý kiến suy diễn theo kiểu “ăn ốc nói mò”.
          Trong bài viết, có chi tiết luật sư Trần Thu Nam nói với BBC: “Nếu mà nói là bắt quả tang như trường hợp của ông Lập thì tôi nghĩ là không đúng, là vì ông đang ngồi trong nhà, trong cửa thì có ai chứng kiến về việc ông ấy phạm một hành vi phạm tội gì không”. Trần Thu Nam nói thế là không thỏa đáng. Bởi vì, có rất nhiều trường hợp phạm pháp mà người phạm tội ngồi trong nhà đó thôi. Bọn ăn cắp cước viễn thông quốc tế, bọn ngồi trong nhà từ tổng đài gọi điện cho một số đối tượng để tống tiền, những người ngồi trong nhà đánh bạc sát phạt lẫn nhau,… họ không phạm tội chắc? Việc ông Lập ngồi trong nhà đang viết gì với chiếc máy tính của Ông ta thì chỉ có vợ ông ta nói là viết tiểu thuyết, nhưng không nói viết tiểu thuyết nào? Tiểu thuyết đó đề cập về nội dung gì? Thì ta chưa nên nói là ông ta có phạm tội hay không phạm tội. Điều đó cần chờ công tác giám định, xác minh của các cơ quan chức năng xem ông Lập viết gì? Nội dung của nó có vi phạm pháp luật không? Mới chỉ có một phía, vợ ông Lập nói là ông ta viết tiểu thuyết thôi, chưa có chứng thực là ông ta viết tiểu thuyết hay viết cái gì thì không nên suy diễn, chỉ nghe một tai, dễ võ đoán. Việc công an bắt giữ ông Lập hẳn phải có căn cứ chứ không thể tùy tiện được. Nhưng căn cứ đó là gì thì hãy chờ ý kiến chính thức từ các cơ quan chức năng, không nên đưa ý kiến suy diễn chủ quan vào lúc này.
          Bài viết cũng đề cập đến ý kiến của luật sư Ngô Ngọc Trai: “…việc người ta phản ánh, lên tiếng về các vấn đề của đất nước, đấy là việc làm chính đáng và cần phải khuyến khích”. Ông Trai viết thế là đúng. Nhà nước ta đã và đang khuyến khích phát huy dân chủ, nâng cao tính phản biện xã hội của nhân dân đó thôi. Điều đó ai cũng biết. Ngô Ngọc Trai viết tiếp: “khi nhà nước chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm công cụ của mình thì người ta có quyền lên tiếng, phản ánh về những cái đó”. Đúng. Nhưng bằng cách nào và ở đâu? Không phải lợi dụng dân chủ để phát ngôn hay viết không đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ. Những ý kiến như thế phải được phản ánh trong tổ chức nhất định, như là Mặt trận Tổ quốc, ở cơ sở là Ban công tác Mặt trận, chứ không phải cứ viết và đưa lên mạng in-tơ-nét. Bởi ý kiến của mình chưa hẳn đã đúng, do thiếu thông tin và nhìn phiến diện, như thế dễ ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, ở phạm vi rộng lớn hơn là tổn thương đến hình ảnh của quốc gia. Do vậy, “khi viết phản ánh thì cũng phải khách quan, phải nhìn đa diện, chứ đừng xúc phạm hay vu khống, thì đó lại là vi phạm” đúng như Ngô Ngọc Trai viết. Mà đã vi phạm luật pháp thì phải bị pháp luật trừng trị, ở đâu và ở nước nào cũng vậy cả.
          Cũng sự việc trên, nhưng Nguyễn Quang A lại có cách nói không thiện chí. Ông ta nói : “Tôi nghĩ rằng họ không phải là thách thức đâu, mà họ nhổ toẹt vào cái mà họ nói là nhân quyền của họ,.. Bởi vì chuyện như thế này nó đã xảy ra từ lâu rồi”. Đúng là hồ đồ. Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà Nguyễn Quang A có cách nói dường như để “hả giận”, cho “sướng miệng” như vậy. Chưa hết, ông ta còn nói một cách phang mạng rằng: “Cái đấy chứng tỏ một cung cách của người ta hiểu về nhân quyền là: hiểu về nhân quyền là phải theo kiểu của chính quyền ở đây họ nghĩ thế nào, thì đấy mới là nhân quyền”. Không thể như Nguyễn Quang A nói, mà nhân quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam, nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà cầm quyền. Nói không căn cứ như thế chẳng khác nào “gắp lửa bỏ tay người”. Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế về nhân quyền, như: “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” (năm 1948); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966),... và hiện tại Việt Nam đang là Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 thì không thể tùy tiện như Nguyễn Quang A nói: nhân quyền theo cách nghĩ của chính quyền, nghĩ như thế nào thì nhân quyền như thế ấy được.
          Tóm lại, xung quanh việc ông Nguyễn Quang Lập bị bắt, khi chưa có ý kiến chính thức xin đừng nói, viết bừa mà hãy để cơ quan chức năng làm việc. Nếu ông Lập vi phạm pháp luật thì ông ta phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn ông bị bắt sai thì cơ quan chức năng phải xin lỗi Ông ta. Hiện chưa có ý kiến chính thức đừng suy diễn và làm om sòm làm gì, hãy để thời gian và công sức ấy vào làm việc có ích cho gia đình và xã hội các vị ạ!



[1] Bọ Lập tức Nguyễn Quang Lập, tên gọi thường dùng của blgger Quê Choa.