Apr 30, 2015

KHÉP LẠI QUÁ KHỨ, CÙNG XÂY DỰNG NƯỚC VIỆT NAM GIÀU MẠNH

Tre Việt - Trong những ngày tháng 4, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30-4, trên một số trang mạng xã hội, vẫn bắt gặp ý kiến thể hiện sự hằn thù, xuyên tạc mà không nhìn thẳng vào sự thật, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngày 29-4, trên trang Basam.info có bài: 30 tháng 4: Bốn mươi năm nhìn lại của Việt Nguyên, là một bài như thế.

        Tác giả bài viết trắng trợn xuyên tạc: “Chiến tranh giải phóng thực chất là chiến tranh nô lệ cho chủ nghĩa Cộng Sản bắt đầu khi ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản xé nát Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954” (!) Ai cũng biết, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử ở cả hai miền vào năm 1956, thế nhưng, đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta. Tổ quốc ta đã phải trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng của lý trí và trái tim của mỗi người Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, đánh cho Mỹ cút (năm 1973), đánh cho Ngụy nhào mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đồng bào ta tràn ngập niềm vui trong Ngày đại thắng. Thắng lợi vĩ đại này đã làm nức lòng bè bạn gần xa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trong Diễn văn Kỷ niệm Chiến thắng tại thành phố Hồ Chí Minh, sáng 30-4. 

        Trong bài, chính Việt Nguyên đã viết: “Chiến tranh từ 1954 đến 1975 đã kết thúc vì sự phản bội của Hoa Kỳ sau Hiệp định Pa-ri năm 1973. Một cuộc chiến phức tạp, bên phía Hoa Kỳ gọi là chiến tranh Việt Nam, bên phía Cộng Sản gọi là chiến tranh chống Mỹ, còn phía Việt Nam Cộng hòa gọi là chiến tranh chống cộng”. Điều đó cho thấy, rõ ràng đây là cuộc chiến tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ là con bài của chính giới Mỹ mà thôi. Nói cách khác, Việt Nam Cộng hòa không có độc lập mà lệ thuộc vào đế quốc Mỹ. Một chính quyền lệ thuộc vào nước ngoài, chắc chắn sẽ không thể tồn tại, vì không phù hợp với truyền thống của dân tộc ta. Đúng vậy, Việt Nguyên đã làm rõ điều đó trong bài viết: “Hoa Kỳ từ con số cố vấn quân sự 865 người quy định bởi Hiệp Định Giơ-ne-vơ đã tăng số quân lên 16 ngàn. Năm 1965, Tổng Thống Johnson đổ thêm quân vào Việt Nam. Sau năm 1968, quân Mỹ ở Việt Nam lên đến hơn 1/2 triệu. Năm 1968, trong kỳ tranh cử tổng thống, ứng cử viên Nixon đã hứa rút hết quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tháng 6 năm 1969 Tổng Thống Nixon đã tỏ ý này với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ở Hội Nghị Midway”. Vậy nên, khi Mỹ rút quân theo Hiệp định Pa-ri, sau 2 năm chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Một chính quyền hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ thì còn tiếc nỗi gì. Nó sụp đổ là xứng đáng để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, tự do và hạnh phúc. Đúng vậy, trong Diễn văn kỷ niệm ngày Chiến thắng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, chúng ta đã tập trung sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, anh dũng kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; GDP tăng gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.200 USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 6%. Đã có hơn 98% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuổi thọ trung bình tăng từ 64,8 tuổi năm 1986 lên khoảng 73,5 tuổi năm 2015. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; hiện có hơn 18.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 256 tỷ USD. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao”.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của đất nước cần khắc phục: “Kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với nhiều nước trong khu vực chậm được thu hẹp. Văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội nhiều mặt còn hạn chế. Hệ thống chính trị đổi mới chưa đồng bộ, năng lực và hiệu quả hoạt động chưa ngang tầm nhiệm vụ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức”.

          Thủ tướng cam kết: “Với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, chúng ta nhất quán thực hiện chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai - Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Đồng thời, kêu gọi: “Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong muốn cuối cùng trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu”. Là người Việt Nam, chúng ta cùng nhau thực hiện tốt lời kêu gọi trên của Thủ tướng: hãy khép lại quá khứ, để xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh./.

1 comments:

Lắp đặt dàn âm thanh nhà văn hóa said...

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

Post a Comment