Sep 24, 2015

LẠI LÀ SỰ ĐỊNH KIẾN

       TRE VIỆT - Trên trang Ba Sàm, ngày 23/9/2015, có bài viết: “Đàn áp vẫn gia tăng ở Việt Nam” do Trần Văn Minh dịch của Zachary Abuza (được giới thiệu là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia , chuyên nghiên cứu về các đề tài chính trị và an ninh Đông Nam Á), Guest Contributor, New Mandela. Bài viết của Zachary Abuza tập trung phê phán về quyền con người, chủ yếu là quyền tự do ngôn luận của Việt Nam. Ông ta viết: “Trên nhiều phương diện, việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam vẫn không thỏa đáng” và “Việt Nam là một trong những môi trường truyền thông bị kiểm soát nhất trên thế giới” (!). Ông ta còn đoán già đoán non: “trước Đại hội Đảng thứ 12 vào đầu năm 2016, bất đồng quan điểm thậm chí còn ít được dung thứ hơn”(!).
Xin thưa, Việt Nam chỉ bắt giam những người vi phạm pháp luật Nhà nước. Công dân Việt Nam cũng như công dân nhiều nước khác, trong khi thực thi quyền con người thì phải chấp hành pháp luật của nước mình. Điều này hoàn toàn đúng với các quy định của “Bộ luật quốc tế về quyền con người”[1]. Bộ luật này quy định mỗi thành viên của xã hội trong khi thực hiện quyền con người đều phải chấp hành luật pháp của mỗi nước.
Thật vậy, Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền đã nhấn mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Điều 29 quy định: “Trong việc thụ hưởng các quyền và tự do, mỗi cá nhân chỉ có thể bị pháp luật hạn chế các quyền và tự do đó vì các mục đích bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác cũng như nhằm bảo đảm các yêu cầu về trật tự công cộng, đạo đức và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.
Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, hiến định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp; 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận…; 3. Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của điều này (Điều 19) kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”.
Trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”, cộng đồng quốc tế cũng khẳng định: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt… Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực về lịch sử, văn hóa và tôn giáo…”[2].
Công ước nhân quyền châu Âu có hiệu lực từ ngày 03-9-1953 đã đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người; trong đó, quyền tự do ngôn luận được ghi ở Ðiều 10: “1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”[3]. Rõ ràng, trong khi khoản 1 của Ðiều luật này quy định: ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới, thì khoản 2 lại quy định: việc thực thi các quyền đó gắn với các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Trên thực tế, mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận của công dân nói riêng. Không có thứ tự do “tuyệt đối” mà không bị hạn chế vì những lợi ích nhiều mặt của quốc gia, dân tộc, ở sự ổn định xã hội, mà thiếu nó thì mọi nỗ lực cố gắng của con người đều trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia) cho phép các nước thành viên cân nhắc lợi ích của mỗi quốc gia để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền con người; trong đó, có quyền tự do ngôn luận theo tinh thần Công ước nhân quyền châu Âu nói trên.
Điều đó cho thấy, quyền con người luôn đặt trong môi trường hoàn cảnh cụ thể. Thụ hưởng quyền con người còn tùy thuộc vào lịch sử, truyền thống, văn hóa, đạo đức, tôn giáo, phong tục, tập quán,… cụ thể của từng nơi, của mỗi quốc gia. Cho nên, không thể lấy những người vi phạm pháp luật bị bắt, bị giam giữ cho rằng Việt Nam “gia tăng đàn áp”. Đó là chỉ là sự định kiến, áp đặt mà thôi.
Nhân dịp 70 năm Quốc khánh, Việt Nam đã ân xá 18.298 phạm nhân; trong đó, có những người bất đồng chính kiến, hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật. Mới đây, là Trương Duy Nhất, Tạ Phong Tần, trước đó là Nguyễn Văn Hải,… đã được tha tù chẳng nhẽ các vị không thấy sao?
Dù có phê phán việc thực thi quyền con người ở Việt Nam, nhưng trong bài viết Zachary Abuza vẫn phải thừa nhận: “về cơ bản, Việt Nam đã khác hơn so với ngay cả 5 năm trước đây, với những thay đổi sâu sắc trong việc tiếp cận thông tin, quyền tự do kinh tế, sự phát triển của xã hội dân sự, quyền thực hành đức tin, và những cải cách gần đây”. Và rằng, “Việt Nam… đã có một sự cải thiện có ý nghĩa trong năm qua”./.


[1] - Bao gồm Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và hai nghị định thư bổ sung của công ước này.
2 - Viện nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002,  tr 44.
3 - Báo Nhân Dân, ngày 17-9-2013.

1 comments:

Cung cấp thiết bị hội thảo chính hãng said...

Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng

Post a Comment