Oct 17, 2015

PHÚC TRÌNH CỦA BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ VỀ TỰ DO TÔN GIÁO LẠI BỊ SAI LỆCH

TRE VIỆT - “Đáng tiếc Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Hoa Kỳ, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”. Đó là khẳng định, của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 15/10 vừa qua, phản đối Phúc trình hằng năm về tự do tôn giáo thế giới, của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 14/10/2015.
Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ 15/11/2004, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 01/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP để hướng dẫn một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Việt Nam đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân; trong đó, có quy định điều kiện và thời gian để một hoạt động tôn giáo được cấp có thẩm quyền công nhận là tổ chức tôn giáo. Theo đó:
Về thời gian, sau 03 năm kể từ ngày được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức có hoạt động tôn giáo liên tục, không vi phạm các quy định của Điều 8, Nghị định 92/2012/NĐ-CP, ngày 08/11/2012 của Chính phủ và đáp ứng các điều kiện:
- Là tổ chức của những người có cùng tín ngưỡng, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi không trái với thuần phong, mỹ tục, lợi ích của dân tộc;
- Có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật;
- Có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định;
- Có trụ sở, tổ chức và người đại diện hợp pháp;
- Có tên gọi không trùng với tên gọi của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận thì được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo.
Về thẩm quyền công nhận và thời hạn trả lời:
Khoản 3, Điều 8, Nghị định 92 quy định:
- Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Thủ tướng Chính phủ xét công nhận tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét công nhận tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động chủ yếu ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính phủ Việt Nam đã quy định rõ ràng như vậy, tín đồ các tôn giáo đã biết và hiểu rõ, muốn được cấp có thẩm quyền công nhận là tổ chức tôn giáo, thì phải đăng ký để được hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Không đăng ký, hoặc đăng ký nhưng không đủ điều kiện trên thì không được công nhận là tổ chức tôn giáo thì không hoạt động như tổ chức tôn giáo được. Bởi lẽ, Việt Nam cũng như các quốc gia có chủ quyền khác, mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân, trong đó có hoạt động tôn giáo đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Thế mà, Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại cho rằng, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giới hạn hoạt động của các tổ chức tôn giáo không đăng ký (!).
Khi được hỏi: Tại sao các tổ chức này không đăng ký hoạt động với nhà nước để được công nhận và sinh hoạt đạo dễ dàng hơn? Một số hội nhóm tôn giáo nói “thực hành tín ngưỡng là quyền căn bản, công dân có quyền sinh hoạt tôn giáo độc lập với nhà nước, không phải xin - cho”. Điều đó cho thấy, rõ ràng họ không muốn đăng ký vì muốn sống ngoài pháp luật, bất chấp luật pháp mà không nơi nào trên thế giới có được. Đó là sự đòi hỏi phi lý, không chấp nhận được. Đây chỉ là số ít, không phản ánh đúng bức tranh tôn giáo Việt Nam hiện nay, với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Tín đồ tôn giáo hoàn toàn tự do trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được tự do trong việc thực hành các hoạt động tôn giáo theo giáo luật. Việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc được thực hiện theo quy định của giáo hội. Các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân trong những năm qua đều có sự phát triển về số lượng cơ sở giáo hội, về tín đồ, chức sắc nhà tu hành, về việc xây dựng mới hoặc tu bổ các cơ sở thờ tự, bảo đảm kinh sách, các hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và giáo lý, giáo luật. Các chức sắc, nhà tu hành được tham gia học tập, đào tạo ở trong nước và nước ngoài hoặc tham gia các sinh hoạt tôn giáo ở nước ngoài. Nhiều tổ chức tôn giáo nước ngoài đã vào giao lưu với các tổ chức tôn giáo Việt Nam. Điển hình là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 và 2014 tại Việt Nam.
Việc in kinh sách và xuất bản các ấn phẩm khác liên quan đến tôn giáo được duy trì thường xuyên, bảo đảm phục vụ yêu cầu hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đã có báo, tạp chí, bản tin, như: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Báo Giác ngộ của Phật giáo; Tập san Hiệp thông, Báo Người Công giáo Việt Nam, Báo Công giáo và Dân tộc của Công giáo; Tạp văn Hương sen của Phật giáo Hòa Hảo; Bản tin Mục vụ và Bản tin Thông công của Tin lành,… đã nói lên bức tranh phong phú, sinh động của tôn giáo Việt Nam. Đồng thời, bác bỏ báo cáo sai lệch về tình hình tôn giáo Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ./. 

1 comments:

Hệ thống truyền thanh kỹ thuật số said...

Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

Post a Comment