Apr 30, 2017

Giải phóng miền Nam từ một góc nhìn khác

Tre việt - Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết sau trên Tiền Phong, ngày 29/4/2017.

Giải phóng miền Nam từ một góc nhìn khác

06:22 ngày 29 tháng 04 năm 2017
TP - Lần đầu tiên, những thước phim về Giải phóng miền Nam từ góc nhìn quốc tế được mua bản quyền và công bố. Cũng là lần đầu tiên những tài liệu mật sau năm 1975 được giải mật. Việc làm này đã giúp cho công chúng có góc nhìn toàn cảnh hơn về một sự kiện lịch sử đặc biệt ý nghĩa của dân tộc.
Kỷ vật cán bộ đi B được bảo quản, lưu giữ cẩn thận.
gày 19/4, Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức công bố, giới thiệu hai bộ phim tư liệu “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” và “Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin”. Ðây là hai bộ phim do Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước tiếp cận được trong quá trình khảo sát tài liệu tại Viện Phim quốc gia Pháp và Viện Lưu trữ tài liệu phim ảnh quốc gia Nga. Nhận thấy giá trị và ý nghĩa lịch sử của hai bộ phim, Cục Văn thư Lưu trữ đã mua bản sao và bản quyền sử dụng.
Trong 10 phút trích đoạn phim tài liệu: “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” (phim màu) do Jean-Pierre Moscardo đạo diễn, sản xuất năm 1975. Hiếm thấy hình ảnh Sài Gòn rợp bóng cờ hoa, thay vào đó là khung cảnh cuộc cầm cự cuối cùng của lính Việt Nam Cộng hoà khi đoàn quân giải phóng ồ ạt tiến về thành phố; Ðó là sự hân hoan của người dân những ngày đầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (diễu hành chào mừng chiến thắng; học sinh quét dọn và canh gác đường phố Sài Gòn…).
Trong bộ phim tư liệu “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn”, lời người dẫn có đoạn, đại ý: Sài Gòn được giải phóng hay thất thủ, tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi bên. Nhưng thực tế, từ 2 tuần trở lại trước ngày 30/4, không khí ở Sài Gòn đã khác trước. Trong nét mặt, hành động lời nói, rõ ràng người Sài Gòn đã không còn khiếp sợ những lời “hù dọa" về Cộng sản. Ða số đều cho rằng: với sự sụp đổ của chế độ chư hầu của Mỹ, một nền hoà bình và thịnh vượng sẽ đến.
Ở một khía cạnh khác, góc quay hướng tới Trảng Bom (cách Sài Gòn 40 km), những người lính Việt Nam Cộng hoà vẫn còn tin vào một điều mơ hồ. Ngay trong ngày 27/4/1975, binh lính Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hoà vẫn được phân công chiến đấu tại đây. Hình ảnh những chiếc xe ủi đào chiến hào, những chiếc xe tăng vẫn đang trực chiến. Một công sự sơ sài được dựng lên để chiến đấu cho một mặt trận không còn tồn tại. Những người lính này chỉ biết rằng: Họ sắp phải đối đầu với một cuộc tấn công trực diện.
Hình ảnh một người lính VNCH trong trận chiến cuối cùng ở Trảng Bom (ảnh cắt từ phim tài liệu "Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn).
Cũng trong những ngày cuối cùng trước giải phóng, trên những tuyến đường từ Sài Gòn nối dài tới các tỉnh thành khác là những chiếc xe con, xe tải, xe ba gác… nối đuôi nhau lầm lũi trốn chạy khỏi thành phố. Trên xe, đủ mọi lứa tuổi, có cả người già và trẻ em, khuôn mặt họ hiện rõ vẻ lo âu. Hình ảnh trên được đạo diễn người Pháp miêu tả và ví von là “sự khốn khổ cuối cùng”.
Phim tư liệu “Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin” (phim đen trắng) do Xưởng phim Thời sự tài liệu trung ương Nga sản xuất năm 1976 với thời lượng 30 phút 20 giây. Bộ phim nói về các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình thành lập nhà nước, các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi, công nông, chiến sĩ Liên Xô...
Là những người đầu tiên được xem trích đoạn của 2 bộ phim lịch sử, cả khán phòng đều lặng đi vì những thời khắc chân thực đến tuyệt vời qua cách kể chuyện mộc mạc, giản dị của đạo diễn. Tuy thế, trong phim có một số hình ảnh, lời bình khác góc nhìn truyền thống khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Ðem câu hỏi với ông Hoàng Trường, Phó Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ - người có công mang những thước phim quý giá về Việt Nam, ông Hoàng Trường chia sẻ: Cần nhiều góc nhìn, quan điểm để đánh giá một sự kiện, càng lùi xa sự kiện đó thì chúng ta càng cần nhiều góc nhìn để có đánh giá tổng thể, toàn điện hơn về một sự kiện lịch sử. Sau hơn 40 năm giải phóng, chúng ta đã nhìn cách nhìn của Cách mạng Việt Nam, của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa, nay bổ sung thêm diện mạo mới từ đạo diễn phương Tây, người dân có thể thấy sự kiện sâu sắc, toàn diện hơn.
Từ năm 2012 đến nay, Cục đã thực hiện nhiều hoạt động khảo sát, sưu tầm tài liệu lưu trữ về Việt Nam ở trong và ngoài nước. Các đoàn khảo sát đã đi thống kê, sưu tầm những tài liệu lưu trữ quý hiếm về Việt Nam từ nhiều quốc gia: Nga, Ðức, Pháp, Bỉ… Từ đó đến nay, đã có 4.000 hồ sơ tài liệu cùng hơn 6.200 trang tài liệu điện tử đã được sưu tầm, lập danh mục, đưa về trình Hội đồng thẩm định tài liệu lưu trữ quốc gia.
Có thể từ năm 1975 đến giờ đã có rất nhiều bộ phim, tư liệu, ảnh báo chí của các hãng thông tấn được phép hoạt động thời kỳ 1975. Nhưng những tài liệu đó thuộc bản quyền nước ngoài. Ðây là lần đầu tiên chúng ta có được những thước phim tài liệu về diện mạo đất nước, miền Nam năm 1975 do người nước ngoài cung cấp. “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” là những thước phim quý giá không chỉ với sự kiện 1975 mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.
Kho bảo quản phim, ảnh, ghi âm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III.
Những tài liệu lần đầu tiên được giải mật
Một tin vui với những người đam mê nghiên cứu tư liệu lịch sử từ Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước: Ngày 28/3/2017, Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước ra Quyết định số 38/QÐ-VTLTNN giải mật 4 tài liệu thuộc các phông Phủ Thủ tướng, Ban Tổ chức Cán bộ chính phủ. Những tài liệu này ngay sau khi được đóng dấu giải mật, được sao chuyển UBND tỉnh Ðồng Tháp để tham gia triển lãm “Lịch sử hình thành tỉnh Ðồng Tháp”.
Ðây là lần đầu tiên những tài liệu đóng dấu mật từ sau năm 1975 được giải mật. Theo đại diện Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước), đơn vị đang lưu trữ hàng nghìn tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật của nhà nước ta từ năm 1975 chưa được giải mật. Việc giải mật hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, công đoạn. Trong đó có thành lập Hội đồng giải mật, Hội đồng nghiên cứu… khối lượng hồ sơ cần giải mật vô cùng đồ sộ. Tuy nhiên theo vị này, có thời kỳ các cơ quan nhà nước quá lạm dụng dấu mật. Ví dụ như giấy mời họp Văn phòng Chính phủ cũng đóng dấu mật, thông báo chuẩn bị thi hành một việc gì cũng đóng dấu mật. Nhiều dấu mật chỉ để tăng vai trò quan trọng cho tài liệu, gây khó khăn khi tiếp cận tài liệu…
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, trong thời gian tới đơn vị mong muốn kết hợp sử dụng nguồn tư liệu gốc phong phú, quý giá để phục vụ cho nhiều thông tin xã hội. Ðơn cử như xôn xao quanh việc cấm một số ca khúc nhạc vàng, trong đó có ca khúc: “Con đường xưa em đi” do có quá nhiều dị bản. “Tại đây, chúng tôi có tư liệu gốc, có thể đối chiếu tìm lời hát gốc để tiếp tục lưu hành bài hát được nhiều người yêu thích”, bà Hoa nói. Bên cạnh đó, tất cả những tư liệu về công trình tiêu biểu của đất nước thời kỳ đổi mới như: công trình Thủy điện Hòa Bình với 2.653 hồ sơ, là những tài liệu phản ánh quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có ý nghĩa quốc gia; hay những công trình mới đây như Cầu Nhật Tân, Cầu Thăng Long…
Thêm vào đó, hiện nay ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia III còn lưu giữ gần 7 vạn hồ sơ cá nhân cùng một số kỷ vật của các cán bộ đi B trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Những hồ sơ, kỷ vật này là những minh chứng quan trọng, không những giúp cho các cán bộ đi B và thân nhân của họ giải quyết các chế độ chính sách mà còn là những kỷ vật về một thời chiến đấu vì cách mạng của các thế hệ tiền bối. “Trong tương lai, Trung tâm mong muốn tìm hiểu thêm các phông mật có ý nghĩa để giải mật, từ đó mang lại hàm lượng thông tin ý nghĩa cho độc giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước”, bà Hoa nói.

1 comments:

Âm thanh nhạc nền said...

Những thước phim này rất giá trị

Post a Comment