May 8, 2017

Đâu phải ngoại lệ

Tre Việt - Thông tư 38 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ ngày 15-02-2017, đã đưa ra quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sử dụng các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng, dịch vụ tìm kiếm và các hình thức tương tự khác trên mạng để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng ở Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng dịch vụ, v.v. Đó là cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp kiên quyết nhằm đưa hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới tại Việt Nam vào khuôn khổ luật pháp. Sau hơn hai tháng thực hiện Thông tư 38, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Google, YouTube, Facebook và yêu cầu thực hiện nghiêm Thông tư này, gỡ bỏ các clip mang nội dung độc hại. Đồng thời, các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng phối hợp, đưa ra biện pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, phù hợp với luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định nhằm bảo đảm sự lành mạnh trong hoạt động của xã hội, hoạt động của công dân tại Thông tư 38 lập tức bị các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam chộp lấy để lu loa, vu cáo, xuyên tạc. Phụ họa với một số địa chỉ truyền thông chống cộng của người Việt ở nước ngoài coi Thông tư 38 “làm hại các công ty quảng cáo trên Facebook, YouTube”, “cố ép tất cả các nhà sản xuất hay dịch vụ ngừng quảng cáo để làm áp lực”, VOA, RFA không úp mở khi đăng tải các bài Thông tư 38 cũng “phi lý không kém Điều 258 hay Điều 88” Bộ luật Hình sự, Thông tư 38 không có giá trị thiết thực, v.v. Còn BBC thì tỏ vẻ “khách quan” bằng phỏng vấn, coi Thông tư 38 “vi phạm nhân quyền”(!)
Nhưng các giọng điệu, bài vở nêu trên đã nhanh chóng trở nên lạc lõng vì được đưa ra đúng vào thời điểm nhiều nước trên thế giới cũng đang phản ứng quyết liệt vì nhiều thương hiệu nổi tiếng trên YouTube lại bị xuất hiện bên các vi-đê-ô có chứa nội dung độc hại. Ngày 18-3-2017, trang tiếng Việt của BBC đăng bài Chính phủ Anh gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube, cho biết, Chính phủ nước này đã triệu tập Google đến họp vì muốn Google, sở hữu YouTube, bảo đảm các thông điệp của Chính phủ được hiển thị “theo cách phù hợp, an toàn”! Còn theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EU) đã có biện pháp khá mạnh khi yêu cầu Facebook, Google, Twitter nhanh chóng điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin “vịt”, nếu không sẽ phải chịu chế tài. Tại Pháp, nhằm ngăn chặn “tin vịt” phát tán trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017, gần 40 cơ quan thông tấn của Pháp và quốc tế đã tham gia chương trình CrossCheck - diễn đàn hợp tác trực tuyến giúp các đối tác truyền thông kiểm tra, đối chiếu, phản bác thông tin méo mó trên mạng. Chính phủ Mỹ cũng đã yêu cầu Google loại bỏ các nội dung xấu liên quan khiêu dâm trẻ em, bạo lực, tội phạm, vi phạm sở hữu trí tuệ, v.v. Vậy là, Thông tư 38 của Việt Nam đâu phải ngoại lệ mà những kẻ thâm thù với nước ta cố tình lu loa?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn 
làm việc với đại diện Facebook
Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là: tự do ngôn luận không có nghĩa là được tự do xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, xuyên tạc, bóp méo sự thật, tự do mạo danh người khác trên mạng xã hội, tự do đưa hình ảnh dung tục, khiêu dâm, kích động chiến tranh, hằn thù dân tộc. Chính phủ Việt Nam không cấm phát ngôn hay nêu chính kiến trên mạng xã hội, chỉ đấu tranh để gỡ bỏ, ngăn chặn những thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc,… để trả lại môi trường lành mạnh cho người dùng in-tơ-nét.

Vì thế, với những người ở VOA, BBC, RFA,… không hiểu họ nghĩ gì khi một mặt phê phán, phủ nhận một việc làm chính đáng của Chính phủ Việt Nam qua Thông tư 38 để giữ gìn kỷ cương phép nước, giữ gìn sự lành mạnh môi trường in-tơ-nét tại Việt Nam; mặt khác, lại tảng lờ việc chính chính phủ của họ cũng đang có hành động tương tự? Sự thù địch, thái độ thiếu thiện chí với Việt Nam làm cho họ không còn tỉnh táo, không xem trước nhìn sau, bừa bãi sử dụng “tiêu chuẩn kép” bất chấp sự thật và hiển nhiên đó không phải là ứng xử văn minh mà làm lộ rõ hơn bản chất của họ. Vì vậy, có một câu hỏi đặt ra: Chẳng lẽ VOA, BBC, RFA,… lại thiếu lương thiện đến vậy hay sao?

1 comments:

Amply hội thảo said...

Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

Post a Comment