Nov 27, 2017

KINH TẾ VIỆT NAM KHÔNG GIỐNG VENEZUELA

Tre Việt - Sau khi Venezuela chính thức vỡ nợ, rơi vào đại khủng hoảng, giới dân chủ phao tin cho rằng, sẽ đến lượt Việt Nam có số phận tương tự vì 2 nhà nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vậy có gì khác nhau trong đường lối kinh tế giữa 2 nước? 
Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, đáng lẽ phải giàu mạnh, nhưng thực tại đang phải chịu đựng cuộc suy thoái trầm trọng nhất thế giới, lạm phát cao nhất, các chỉ số xã hội sa sút nặng nề, người dân đói khát và chết dần vì thiếu thực phẩm, thuốc men. Có thảm trạng đó là do một số nguyên nhân sau:
Một là, áp đặt giá hàng hóa, Venezuela áp dụng Luật về Chi phí và Giá cả Công bằng khiến người nông dân không trồng trọt, các công ty chế biến nông sản đóng cửa vì không có nguyên liệu. Việc kiểm soát giá khiến hàng hóa bị đưa vào chợ đen, nạn đầu cơ tích trữ hàng hóa, buôn lậu gia tăng chóng mặt. Chính phủ đã cố gắng tống giam các đối tượng đầu cơ, đóng cửa đường biên giới,… nhưng vẫn không kiểm soát được tình hình.
Hai là, trợ giá hàng hóa, Venezuela trợ giá trực tiếp nhiều loại hàng hóa, tiêu biểu là khí đốt và điện. Ngân sách trợ giá khí đốt và điện lớn hơn cả dành cho giáo dục và y tế gộp lại; với mức lương tối thiểu mỗi ngày tại Venezuela chỉ có thể mua được 227 gram thịt bò hoặc 12 quả trứng, nhưng có thể mua tới 1.000 lít khí đốt hoặc 5.100 kWh điện. Venezuela trợ cấp tỷ giá hối đoái cũng rất lớn, nếu bán một đôla theo tỷ giá của chợ đen thì có thể mua được hơn 100 đô la theo tỷ giá cao nhất của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc trợ giá gián tiếp cũng không hợp lý, vì người giàu mua sắm nhiều hơn người nghèo nên giành được nhiều trợ cấp hơn. Dưới những điều kiện như thế, người dân khó có thể mua được hàng hóa hoặc USD với mức giá của Nhà nước;
Ba là, tăng quá mức các doanh nghiệp nhà nước, sau khi Hugo Chavez tái đắc cử Tổng thống vào năm 2006, Ông đã công hữu hóa các nông trại, siêu thị, ngân hàng, công ty viễn thông, năng lượng, các công ty dịch vụ, sản xuất dầu mỏ, các công ty sản xuất thép, xi măng,… thậm chí cả công ty sản xuất ly thủy tinh. Với lối điều hành lãi thì ăn, lỗ nhà nước chịu  của doanh nghiệp trong các ngành này, năng suất liên tục sụt giảm; hơn nữa, Chính phủ không thể trợ giá liên tục cho các nhà cung cấp để giữ giá thấp, dẫn tới sản lượng phải giảm, làm phá vỡ nền sản xuất trong nước.
Bốn là, không kiểm soát nợ công. Từ năm 2004 đến 2013, giá dầu mỏ liên tục tăng cao, Venezuela dựa vào tiềm năng dầu mỏ để tăng gấp 5 lần nợ công nước ngoài, thay vì tiết kiệm phòng ngừa tình huống xấu; việc vay nợ quá mức khiến thị trường tín dụng quốc tế cấm cửa nước này. Khi giá dầu giảm vào năm 2014, nguồn thu của Chính phủ từ dầu mỏ sụt giảm nghiêm trọng, chính quyền phải in tiền để bảo đảm chi tiêu cho các chính sách tài khóa và trả nợ.
Như vậy, để đạt được các mục tiêu xã hội, Chính phủ Venezuela đã sử dụng biện pháp hành chính can thiệp sâu, áp chế mạnh vào kinh tế thị trường. Những biện pháp này đã mang lại lợi ích trước mắt và ngắn hạn cho nhân dân, nhưng sự điều tiết của thị trường bị đảo lộn, kinh tế vĩ mô mất ổn định, sản xuất trong nước bị phá hoại nghiêm trọng, năng lực xuất, nhập khẩu sụp đổ, lạm phát tăng cao (năm 2014, đồng tiền mất giá 98% so với năm 2011), dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Khác với Venezuela, Việt Nam theo đuổi đường lối Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mô hình kinh tế vận hành đầy đủ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực kinh tế quan trọng liên quan tới quốc phòng và an ninh; các chủ thể kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch và lành mạnh (không can thiệp bằng các biện pháp hành chính). Sau đổi mới, Đảng ta luôn chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (mới đây là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII) để giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển đất nước, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kiểm soát nợ công, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

Những chủ trương đó cho thấy Việt Nam đã vận dụng sáng tạo kinh tế học Mác - Lê-nin và các học thuyết kinh tế hiện đại vào điều kiện nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới trong suốt hơn 30 năm qua; giúp Đảng và Chính phủ đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong điều hành kinh tế đất nước, tạo nền tảng cho kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Đó là tương lai của kinh tế Việt Nam. Không có chuyện Việt Nam cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế như Venezuela./.

2 comments:

Dàn karaoke said...

Việt Nam không thể lâm vào khủng hoảng. Không thể so sánh Việt Nam với Venezuela.

Amply hội thảo said...

Bạn nói rất đúng

Post a Comment