Jan 18, 2018

Phát biểu “vô trách nhiệm”

Tre Việt - Liên quan đến sự kiện Bộ Quốc phòng công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến trên Không gian mạng, một số người đã tán phát tài liệu, bài viết cho rằng, đây là sự học tập mô hình “Chiến tranh điện tử mạng tích hợp” của Trung Quốc; và rằng đây là chiến trường để các chiến sĩ đối đầu với nhân dân, ngăn cản tự do ngôn luận bằng kỹ thuật công nghệ cao, v.v. Đó là những phát biểu không có căn cứ và vô trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.
Những thập kỷ gần đây, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thông tin quân sự nên tác chiến mạng được quân đội nhiều nước coi trọng và coi đó là môi trường tác chiến thứ 5, gắn kết chặt chẽ với tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian vũ trụ. Hiện nhiều nước đã thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện tại có khoảng 140 quốc gia đã tổ chức lực lượng tác chiến mạng trong quân đội, với quy mô, hình thức khác nhau. Đối với Mỹ, để giành ưu thế về quân sự, Mỹ chủ trương xây dựng quân đội có năng lực tác chiến mạng mạnh hàng đầu thế giới, với hơn 60 nghìn quân và chuyên viên dân sự. Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ đã xây dựng và công bố nhiều văn kiện chiến lược về tác chiến mạng, như: “Chiến lược quốc gia bảo vệ không gian mạng”, “Chiến lược quốc tế không gian mạng”, “Chiến lược hành động không gian mạng của Bộ Quốc phòng”, “Điều lệnh tác chiến mạng”,… tạo cơ sở lý luận và pháp lý để Lầu Năm Góc tổ chức, tiến hành hoạt động tác chiến mạng. Cùng với đó, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng trong thành phần Bộ Tư lệnh chiến lược, làm cơ quan chuyên trách, có nhiệm vụ quản lý, điều hành tác chiến mạng của quốc gia. Quân đội Nga cũng đẩy mạnh việc tổ chức ra lực lượng đặc nhiệm tác chiến mạng, trực thuộc Trung tâm tác chiến của Bộ Tổng tham mưu, gồm hàng nghìn chuyên gia, kỹ thuật viên có trình độ cao về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, v.v. Điển hình như: Đội quân mạng Chiều thứ 5 (Russia 5th-Dimension Cyber Army); tiếp đến là Trung tâm An ninh Thông tin, hay còn gọi là Đơn vị Quân sự 64829, có nhiệm vụ giám sát và bảo vệ mạng lưới Internet của Nga. Đối với Trung Quốc, ngay từ năm 2010, sách trắng của Trung Quốc đã đề cập tới chiến tranh mạng và đánh giá cao vai trò của hình thức chiến tranh này. Điển hình là các đơn vị 61398 và Đơn vị 61486, vốn nổi tiếng với các vụ tấn công và đột nhập vào hệ thống mạng an ninh của Mỹ trực thuộc Tổng cục 3 - bộ phận chuyên phụ trách các vấn đề về gián điệp không gian mạng và tình báo các tín hiệu.
Đối với nước ta, nguy cơ bị tấn công trên không gian mạng đã hiện hữu. Theo thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNECRT),  năm 2017 có hơn 10 nghìn cuộc tấn công Website với các hình thức, như: đánh cắp thông tin, lừa đảo, cài mã độc, làm thay đổi giao diện, v.v. Đặc biệt các cuộc tấn công rất nguy hiểm nhằm vào mạng máy tính của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng,… gây hậu quả không nhỏ. Ý thức rõ điều đó và nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là trên không gian mạng, sau thời gian dài nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 08-01, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Lực lượng này có chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; tham gia bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc cả trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian mạng. Điều đó đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và sự chủ động thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương thức bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong tình hình mới.
Như vậy, những luận điệu cho rằng việc thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng là học theo Trung Quốc, hay ngăn cản tự do ngôn luận bằng kỹ thuật công nghệ cao,... là hoàn toàn không có cơ sở và vô trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc./.

1 comments:

Hệ thống âm thanh hội thảo bosch said...

Việt Nam không phải học Trung Quốc trong chuyện này nhé

Post a Comment