Jul 21, 2020

Diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam là minh chứng bác bỏ mọi xuyên tạc



Tre Việt - Ngày 17/7 vừa qua, Đài Châu Á Tự Do (RFA) đưa tin: Trang The Globe Post, một phần của Globe Post Media - tổ chức tin tức kỹ thuật số của Hoa Kỳ vào ngày 17/7 cho đăng bản tin của AFP với tựa tạm dịch ra tiếng Việt là “Việt Nam mở Bảo tàng báo chí trong khi truyền thông độc lập bị đặt ngoài vòng pháp luật”.
Trong bài viết, RFA trích dẫn nội dung bản tin của AFP xuyên tạc, rằng: “…tất cả các tờ báo và truyền hình trong nước đều do chính quyền kiểm soát. Ngoài ra, Việt Nam… bị mang tiếng đối xử nghiệt ngã đối với các phóng viên độc lập không theo báo chí nhà nước, nhưng vẫn khánh thành một bảo tàng dành riêng cho báo chí”, v.v. “Té nước theo mưa” nhằm để “phù họa” cho nhận định xuyên tạc, vô căn cứ trên, RFA đã tiến hành phỏng vấn một số trường hợp mà họ gọi là “nhà báo độc lập”, gồm: Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Vũ Bình - là những đối tượng có tiền án tiền sự về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi ý kiến của các đối tượng này đều là những nội dung xuyên tạc sự thật, phê phán Việt Nam không có tự do ngôn luận, báo chí, công kích các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến lợi dụng tự do ngôn luận để tuyên truyền chống phá Nhà nước, v.v.
Tuy nhiên, sự thật là, diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam thời gian qua đã phản ánh những bước tiến rất đáng ghi nhận. Điều đó thể hiện ở việc Việt Nam đã, đang tham gia và thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan mà Việt Nam đã ký kết. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo và đầy trách nhiệm trong việc cụ thể hóa quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng bằng việc ban hành, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý để mọi tổ chức, cá nhân được phát huy cao nhất quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Minh chứng là: Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Chương II, Luật Báo chí năm 2016, gồm 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13) quy định đầy đủ về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Thực tiễn đời sống hoạt động báo chí của Việt Nam đang phát triển một cách hết sức sôi nổi, với một hệ thống báo chí khá toàn diện cùng một đội ngũ những người làm báo hùng hậu: khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí; gần 1.000 cơ quan báo chí thuộc 04 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, trong đó có 165 cơ quan báo, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 02 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình,... Nhà nước luôn quan tâm và đảm bảo bằng cơ chế pháp luật để mọi công dân đều có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách thuận lợi nhất. Cùng với các hãng thông tấn, báo chí trong nước, các hãng truyền thông, báo chí nước ngoài cũng đang hoạt động tích cực tại Việt Nam và được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp, v.v.
Tre Việt thấy rằng, tại Việt Nam, việc người dân sử dụng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông để bày tỏ quan điểm, chính kiến, tâm trạng, nghĩ suy của mình là hết sức dễ dàng, thoải mái mà không gặp phải bất kỳ sự cản trở, ngăn cấm gì. Cũng như các quốc gia khác, ở Việt Nam việc các bloger, facebooker phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của quốc gia mình về những nội dung đăng tải trên mạng xã hội là đương nhiên; khi vi phạm, thì sẽ bị xử lý theo các chế tài của pháp luật là hết sức bình thường. Thế nhưng, AFP và RFA đã cố tình “đánh lận con đen” khi đánh đồng đội ngũ những người làm báo Việt Nam đang nỗ lực rèn luyện, phấn đấu xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân với các bloger hay cái gọi là “nhà báo độc lập”, để rồi bịa đặt, xuyên tạc Việt Nam đàn áp, bỏ tù các nhà báo. Đây là sự quy chụp, nhìn nhận thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, hành động đó cần phải lên án. Sự thật thì diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam đã bác bỏ mọi xuyên tạc, bịa đặt./.

2 comments:

Lắp đặt truyền thanh said...

Chúng ta không thể tin RFA được, bởi RFA chuyên xuyên tạc

Thiết kế truyền thanh said...

Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

Post a Comment