Aug 5, 2020

Chính trị hóa khoa học - âm mưu mới

Tre Việt – Những năm gần đây, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông của các nước trong khu vực nóng lên do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền lãnh hải dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”. Để làm thay đổi nhận thức của thế giới về tuyên bố chủ quyền đó, Trung Quốc tận dụng mọi hình thức tuyên truyền như: báo giấy, phát thanh, truyền hình, Intetnet, v.v. Đồng thời, sử dụng tất cả những phương tiện có thể để phát tán rộng rãi bản đồ “đường 9 đoạn” ở mọi lúc mọi nơi, trên giấy thông hành, trên các quả cầu vẽ bản đồ thế giới, trên áo phông, trong phim ảnh và chương trình truyền hình, trong sách báo, phần mềm, trò chơi điện tử, trên quần áo, tờ rơi quảng cáo ở các địa điểm du lịch, v.v.

Tuy nhiên, những tuyên truyền đó gần như phá sản sau khi Tòa án Trọng tài Quốc tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên bản đồ “đường 9 đoạn” vào tháng 7/2016. Sau phán quyết đó, công tác tuyên truyền của Trung Quốc bị các nước trong khu vực và trên thế giới cảnh giác và ngăn chặn quyết liệt. Ở  Việt Nam, ngày 13/5/2018, lực lượng quản lý Sân bay Cam Ranh tịch thu toàn bộ số áo in hình “đường lưỡi bò” của du khách Trung quốc nhập cảnh tại đây. Tháng 11/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát hiện và chỉ đạo toàn ngành hủy bỏ các thiết bị điện mặt trời có bản đồ “đường lưỡi bò”; không mua điện của các công ty, nhà sản xuất sử dụng các thiết bị đó. Cùng tháng 11/2019, Tổng cục Hải quan tịch thu toàn bộ lô ô tô nhập khẩu có phần mềm dẫn đường chứa bản đồ có hình “đường lưỡi bò”, v.v.

Trước tình hình đó, cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc đã chỉ đạo các nhà khoa học đưa bản đồ “đường 9 đoạn” vào nhiều bài viết đăng trên các tạp chí khoa học được quốc tế công nhận để khẳng định yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông. Theo một nghiên cứu quốc tế, tần suất bài báo khoa học có in bản đồ “đường lưỡi bò” tăng dần: năm 2010, chỉ có 10 bài; năm 2018, có 60 bài; trong 6 tháng đầu tiên của năm 2019 đã có tới 90 bài. Thực tế, bản đồ “đường 9 đoạn” xuất hiện trên nhiều tạp chí khoa học, bàn về đủ mọi đề tài, như: biến đổi khí hậu, thủy văn học, khảo cổ học, nông nghiệp, năng lượng sinh học, khoa học môi trường, quản lý chất thải; y tế công, v.v.

Đây là hoạt động âm thầm nhưng rất thâm độc, vì cơ bản các nhà khoa học trên thế giới ít quan tâm đến chính trị nên mất cảnh giác; khi đã ký tên hợp tác nghiên cứu cùng các nhà khoa học Trung Quốc, có nghĩa là vô tình đã công nhận đường 9 đoạn. Thâm hiểm hơn là Trung Quốc đã âm thầm cài bản đồ “đường lưỡi bò” vào bài báo khi phát hành. Khi ấy, những người làm công tác nghiên cứu, có nhu cầu trích dẫn nguồn từ các bài báo khoa học này cũng chấp nhận sự tồn tại của “đường 9 đoạn”. Nỗ lực tuyên truyền này sẽ là cơ sở để Bắc Kinh lập luận rằng: bản đồ “đường 9 đoạn” được biết đến rộng rãi và được công nhận qua các bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Chúng ta cần hết sức cảnh giác khi dẫn nguồn quốc tế, nhất là những hình ảnh không đúng về bản đồ Việt Nam hoặc có “đường 9 đoạn”. Chủ động phát hiện, đấu tranh, bóc gỡ thông tin phản ánh không đúng chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của nước ta./. 


2 comments:

Âm thanh thông báo said...

Chúng ta phải luôn cảnh giác trước TQ

Công ty tư vấn lắp đặt âm thanh ánh sáng said...

Trung Quốc rất nham hiểm, vì vậy chúng ta phải cảnh giác

Post a Comment