Oct 23, 2020

Loài ma mới trên đảo Phú Lâm

          Tre Việt - Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có diện tích khoảng 2 km2, được nhân dân ta và các triều đại phong kiến Việt Nam phát hiện, khai thác, bảo tồn từ nhiều thế kỷ trước. Tháng 6 âm lịch năm Ất Mùi niên hiệu Minh Mạng 16 (năm 1835), vua Minh Mạng cho xây Hoàng Sa Tự và một số công trình quân sự khác làm dấu ấn chủ quyền quốc gia đối với đảo Phú Lâm nói riêng và quần đảo Hoàng Sa nói chung. Trải qua biến cố lịch sử, đảo Phú Lâm bị “loài ma Phương Bắc” lén lút chiếm đóng từ năm 1974 cho đến nay.

Vừa qua, tổ chức Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ, công bố, cho biết: từ năm 2012 tới nay, có hơn 400 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đã đăng ký kinh doanh trên đảo Phú Lâm. Mọi người có thể đặt câu hỏi: một hoàn Đảo nhỏ nhoi như vậy sao có thể “nhốt” được tới 400 doanh nghiệp? Lấy đâu ra đất, nguồn nước, nguyên vật liệu, nhân lực, nhu yếu phẩm thiết yếu,… để cho các doanh nghiệp đó đứng chân và hoạt động? Kỳ thực, chúng chỉ là những “doanh nghiệp ma” trên Đảo; có nghĩa là chỉ có tên mà không có thực thể. Chính phủ Trung Quốc cho phép, hoặc có thể là ép buộc những doanh nghiệp đó đăng ký địa điểm trên Đảo chỉ nhằm nộp thuế cho các “Chính quyền ma” chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa; còn công ty thực của họ đều đóng ở nơi khác, phần lớn nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Nỗ lực ép buộc của Chính phủ Trung Quốc đã đem lại nguồn thuế cho lực lượng chiếm đóng Hoàng Sa mỗi năm khoảng 100 triệu USD từ số vốn đăng ký kinh doanh khoảng 1,2 tỷ USD. Số tiền thuế đó sẽ được nộp trở lại Chính phủ Trung Quốc chứ trên đảo ngoài “Âm binh Phương Bắc”, làm gì có hoạt động kinh tế nào để mua, bán, tiêu tiền. Tuy nhiên, đây là cách mà Trung Quốc lưu lại dấu ấn hồ sơ, tài liệu về hoạt động kinh tế trên Đảo. Nhờ chính sách này mà các công ty dù hoạt động bên ngoài cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhưng lại đóng vai trò là sự hiện diện về hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Những cái tên “Tam Sa”, “Nam Sa”, “Tây Sa” (quốc tế không công nhận) sẽ được khai trong hồ sơ nhiều công ty, doanh nghiệp để ký hợp đồng, làm ăn trên khắp thế giới. Khi đối tác nước ngoài ký vào hợp đồng kinh tế có nghĩa là Trung Quốc đã “lén lút” bắt các đối tác công nhận những địa danh trên, nhất là những hợp đồng lớn được chính phủ các nước bảo lãnh đầu tư, kinh doanh thì mức công nhận địa danh càng cao.

Trong số “doanh nghiệp ma” đó, nhiều công ty còn hợp tác xây dựng, cung cấp cơ sở hạ tầng, thông tin và kể cả quân sự, an ninh, hàng hải cho “Thành phố Tam Sa”, như: lắp đặt hệ thống 4G và 5G; đặt cáp quang dưới biển, v.v. Những hoạt động “lén lút” của chúng đã không qua mắt được cộng đồng quốc tế. Ngày 26/8/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ bổ sung 24 công ty của Trung Quốc vào một danh sách đen có tên “Danh sách thực thể” vì “vai trò của họ trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng công bố các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc khai hoang, xây dựng, quân sự hóa đảo và cưỡng chế chiếm đảo ở Biển Đông.

Những năm gần đây, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố về chủ quyền trên Biển Đông thông qua một “bản đồ đường lưỡi bò” do họ tự bịa ra. Mặc dù bị quốc tế lên án, phản đối gay gắt nhưng Trung Quốc không từ bỏ dã tâm đó, mà tìm mọi cách hợp lý hóa nó bằng phương pháp tuyên truyền, thuyết phục quốc tế thông qua các phương tiện, như: sách, báo, truyền hình, phim, tờ rơi, trò chơi điện tử, phần mềm ứng dụng, tạp chí khoa học, v.v. Và lần này, họ nghĩ ra chiêu mới là cho thành lập các “doanh nghiệp ma” trên đảo Phú Lâm, một nỗ lực phi pháp để hợp lý hóa việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam./.

 

2 comments:

Lắp đặt loa âm trần said...

Trung Quốc có âm mưu độc chiếm biển đông và đã tự vẽ ra đường lưỡi bò phi pháp

Âm thanh biểu diễn said...

Chúng ta phải luôn cảnh giác trước Trung Quốc

Post a Comment