Oct 12, 2020

Việc làm cần thiết để xây dựng nền báo chí vì lợi ích của đất nước và nhân dân

             Tre Việt - Ngày 07/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định gồm 05 chương, 44 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020, thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Theo đó, Nghị định số 119 quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng. Ngoài các hình thức xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả, như: buộc cải chính, xin lỗi; buộc thu hồi sản phẩm báo chí vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát; buộc xin lỗi công khai, v.v.

          Thế mà, ngày 09/10, trên VOA Tiếng Việt, có bài “Việt Nam phạt nặng lĩnh vực báo chí, “bóp nghẹt” tiếng nói đối lập”, trích dẫn nhận định của “nhà báo độc lập” Võ Văn Tạo cho rằng: “Đây là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam lâu nay: luôn tăng cường bóp nghẹt tự do báo chí”(!).

          Nhận định của Võ Văn Tạo mang tính chủ quan, quy chụp, nhằm xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận và đời sống báo chí ở Việt Nam, cũng như những quy định trong Nghị định số 119 của Chính phủ mới ban hành. Hơn thế, đó còn là sự lo sợ, tới đây khi Nghị định có hiệu lực thi hành, các “nhà báo” có “khuynh hướng chính trị phức tạp” như Tạo hay những người trong cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, chuyên lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước, kích động nhân dân sẽ không còn “đất” diễn nữa. Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan.

          Hiện nay, Việt Nam đang có một hệ thống báo chí khá toàn diện với một đội ngũ những người làm báo hùng hậu: khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí; gần 1.000 cơ quan báo chí thuộc 04 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử; trong đó, có 165 cơ quan báo, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 02 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình. Các cơ quan báo chí luôn chú trọng đổi mới, cải tiến phương thức thực hiện, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, tin, bài; bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số để giúp người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan báo chí cũng thực hiện sản xuất tin, bài trực tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác, như: Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật,... hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động của nhiều cơ quan báo chí còn có những hạn chế, khuyết điểm, như: còn thông tin chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép hoạt động. Một số cơ quan báo chí đôi khi thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội; tình trạng giật tít câu khách, câu “view”, gây hiểu nhầm, trái với nội dung bài viết, giật tít phản cảm, thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục,... vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là do sự buông lỏng trách nhiệm của người đứng đầu; do quy trình kiểm định nội dung thông tin và công tác biên tập, duyệt đăng tải tin, bài chưa chặt chẽ. Năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675,1 triệu đồng. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng.

          Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó có việc bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt sai sự thật, kích động hằn thù dân tộc. Vì vậy, Chính phủ ban hành Nghị định số 119 là rất kịp thời, để xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, không có chuyện “bóp nghẹt” tiếng nói đối lập như VOA Tiếng Việt và Võ Văn Tạo quy chụp./.

 

2 comments:

Đèn moving said...

NGhị đinh 119 này rất cần thiết trong thời điểm này

Loa sân vườn said...

Nếu nói Việt Nam không có tự do báo chí thì không có nước nào có tự do báo chí cả

Post a Comment