Feb 14, 2022

Nhận định phi lý của Đài RFA

           Tre Việt - Ngày 11/2 kênh tiếng Việt đài RFA đăng bài “Việt Nam thuộc nhóm nước phi dân chủ trong báo cáo Chỉ số dân chủ năm 2021”. Bài viết trích dẫn Báo cáo Chỉ số dân chủ năm 2021 của Hãng nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit; trong đó, Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thể chế toàn trị. Đây là nhận định hoàn toàn phi lý, không khách quan về thực tế tình hình dân chủ đang diễn ra tại Việt Nam.

Chúng ta đều biết rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là nền dân chủ của đại đa số nhân dân gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm toàn bộ các quyền của con người, quyền của công dân như quyền tự do cá nhân, tự do báo chí, hội họp, đi lại, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, v.v.

Thực tế minh chứng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn phấn đấu ngày càng hoàn thiện, phát triển vấn đề dân chủ, nhân quyền, chăm lo cuộc sống mọi mặt cho nhân dân. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được Tổ chức Nông nghiệp và lương thực thế giới ghi nhận, đánh giá cao trong việc xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào mục tiêu chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về nhân quyền; luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân. Điều này được thể hiện thông qua việc Việt Nam tích cực kiện toàn, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến quyền con người và bảo đảm thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, như: tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, v.v. Chính vì thế, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, nâng cao. Bằng chứng là Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu đồng thuận, tín nhiệm cao. Trong khu vực ASEAN, với vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Đồng thời, là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Việt Nam đã thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, nhất là chú trọng đến nhóm yếu thế trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, gắn kết tình hữu nghị, thống nhất, đồng thuận giữa các nước.

“Nhắm mắt” trước hiện thực sinh động trên, Đài RFA chỉ dựa vào báo cáo của Hãng nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit dựa trên những sự việc, hiện tượng thiểu số và chỉ tham khảo ý kiến nhận xét, đánh giá của một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, có thâm thù với chế độ, nhân dân Việt Nam rồi đưa ra nhận định hồ đồ “Việt Nam thuộc nhóm nước phi dân chủ” là hoàn toàn phi lý, thiếu cơ sở, không phản ánh đúng bản chất dân chủ của xã hội và thực tế diễn ra tại Việt Nam.

Dù nhận định này không hề tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, hội nhập quốc tế của Việt Nam nhưng cho thấy sự thiếu thiện chí đối với Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế với dụng ý xấu, nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cần bị vạch trần, lên án./.

0 comments:

Post a Comment