Lợi dụng việc Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam mới đây có thông báo về việc tạm thời ngừng cấp visa vào hộ chiếu phổ thông của Việt Nam mẫu mới (màu xanh tím than), các đối tượng xấu đã đăng tải, chia sẻ trên Internet, mạng xã hội những thông tin, luận điệu suy diễn, xuyên tạc, sai trái nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước ta.
Những thông tin suy diễn, xuyên tạc,
bôi nhọ với dụng ý xấu
Ngày 27/7, website của Đại sứ quán
CHLB Đức tại Việt Nam đưa ra thông báo với nội dung, do hộ chiếu phổ thông mới
của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022) theo đánh giá và tiêu chí kỹ thuật
của phía Đức có một số thông tin chưa tương thích nên tạm thời chưa được chấp
nhận để xin visa nhập cảnh hoặc quá cảnh Đức. Thông báo của Đại sứ quán CHLB
Đức cho biết, những người mang hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu
xanh tím than, có số serial bắt đầu bằng chữ “P” sẽ không thể nộp hồ sơ xin
visa, đồng thời khuyến cáo, trong trường hợp đã được cấp thị thực cũng không
nên đến Đức, bởi có nguy cơ sẽ bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới.
Ngay sau khi thông báo trên được đăng tải trên website của
Đại sứ quán Đức và được các phương tiện truyền thông dẫn lại, chưa biết thực
tình câu chuyện thế nào, trên một số diễn đàn Internet, mạng xã hội, các đối
tượng xấu, thiếu thiện chí đã đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin, luận điệu mang
tính suy diễn, xuyên tạc, sai trái theo kiểu công kích, miệt thị nhằm bôi nhọ,
hạ thấp danh dự của Bộ Công an, bôi nhọ hình ảnh đất nước Việt Nam.
Luận điệu mà những người này đưa ra
là: “Hộ chiếu Việt Nam thuộc hàng “tủi thân” trên thế giới”; “thứ hạng của hộ
chiếu Việt Nam bị coi là thấp, thể hiện qua “năng lực di chuyển, nhập cảnh”
(mobility score) thuộc hạng thấp, so với các nước khác”; “quyền lực của hộ
chiếu thể hiện quyền lực của dân tộc”; “trong khi các nước khác đang ngày càng
tăng khả năng ký kết các thỏa thuận miễn thị thực cho công dân của họ, chính
phủ Việt Nam đã không có năng lực tạo tiến bộ trong lĩnh vực này”,… Một số đối
tượng thì đặt ra những câu hỏi theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” như: “Làm
cách nào để “nâng quyền lực” của hộ chiếu Việt Nam?”; “để cải thiện “hình ảnh
hộ chiếu Việt Nam” liệu chính phủ có làm được gì?”,… Trong khi đó, một số người
thì quay sang công kích Bộ Công an, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công
an với giọng điệu chê bai, miệt thị. Đây rõ ràng là những luận điệu suy diễn,
xuyên tạc vô căn cứ nhằm bôi nhọ, hạ thấp danh dự của Bộ Công an, bôi nhọ hình
ảnh, hạ thấp danh dự, uy tín của Việt Nam với thế giới.
Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam “đúng
luật, đúng quy định”
Ngay sau khi Đại sứ quán CHLB Đức
tại Việt Nam đưa ra thông báo về việc ngừng cấp visa vào hộ chiếu phổ thông của
Việt Nam mẫu mới (màu xanh tím than), các cơ quan chức năng của Việt Nam đã
nhanh chóng tiến hành các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân. Đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết sẽ tiến
hành cùng với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) làm việc với Đại sứ quán, lãnh sự Đức
thông qua đường ngoại giao. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cũng cho biết, hộ chiếu
mẫu mới của Việt Nam được cấp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đạt
tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân
dụng Quốc tế). Cũng theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, hộ chiếu mới được thiết kế
công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, hình tượng về chủ
quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng nhằm khẳng định và quảng bá hình ảnh
đất nước ra thế giới. Ngoài ra, mẫu hộ chiếu phổ thông mới bảo đảm các kỹ thuật
bảo an, khó làm giả.
Liên quan vấn đề này, Đại sứ Việt
Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh thông tin: “Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam
vừa có thông báo do hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam (có hiệu lực từ 01/7/2022)
theo đánh giá và tiêu chí kỹ thuật của phía Đức có một số thông tin chưa tương
thích, nên tạm thời chưa được chấp nhận để xin visa nhập cảnh hoặc quá cảnh
Đức. Theo thông tin của chúng tôi, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xử
lý vấn đề kỹ thuật này và sẽ sớm có thông báo”. Trong khi đó, Cục Lãnh sự (Bộ
Ngoại giao) đã giao thiệp với Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội, đề nghị hai bên
phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt kỹ thuật nhằm tạo điều kiện
thuận lợi cho công dân Việt Nam nhập cảnh Đức và phù hợp với tinh thần Quan hệ
đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng đã liên hệ
để thu xếp trao đổi trực tiếp với các cơ quan chức năng Đức về việc này.
Đừng lấy “thứ hạng hộ chiếu” để phán
xét về “thứ hạng quốc gia”, “quyền lực dân tộc”
Thực tế, trong vấn đề hộ chiếu, cần
phải có cách nhìn nhận đầy đủ, khách quan. Không thể chỉ vì một vài chi tiết về
kỹ thuật chưa tương thích mà đã có thể đánh giá “quyền lực hộ chiếu”, “thứ hạng
quốc gia”, “quyền lực dân tộc”. Ngay cả bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu của
Henley & Partners cũng mới chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Vận
tải Hàng không quốc tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh
thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng hộ chiếu đi vào mà không cần xin visa
trước. Với căn cứ đó, mỗi nước tùy vào điều kiện cụ thể để đưa ra quy định có
thể tăng hay giới hạn độ mở của hộ chiếu, cho phép công dân đi đến bao nhiêu
quốc gia mà không cần visa. Đây thực ra chỉ là một thủ tục chứ không có gì ghê
gớm để nói “quyền lực hộ chiếu” hay “sức mạnh dân tộc”.
Không thể nói rằng, hộ chiếu đi được
nhiều quốc gia thì nước đó văn minh, quyền lực hơn nước có hộ chiếu đến được ít
quốc gia hơn. Không thể nói rằng thứ hạng hộ chiếu thấp thì giá trị quốc gia,
quyền lực của dân tộc đó thấp hơn giá trị quốc gia, quyền lực của dân tộc có
thứ hạng hộ chiếu cao hơn. Đây chỉ là một căn cứ của thủ tục hành chính, không
phải cơ sở để đánh giá về thang giá trị, trình độ phát triển, sự văn minh,
quyền lực của quốc gia, dân tộc. Việt Nam là một đất nước đã có hàng ngàn năm
văn hiến, dựng nước và giữ nước. Một dân tộc bất khuất, kiên cường, oanh liệt
trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được cộng đồng thế giới thừa nhận,
đánh giá cao. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên
thế giới thuộc tất cả các châu lục, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối
tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực Châu
Á-Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên
hợp quốc.
Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ
chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch
ASEAN (2010, 2020); làm Chủ tịch Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO, 2002), Chủ
tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) (2010, 2020), 2 lần trúng cử với số
phiếu ủng hộ rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), trong đó nhiệm kỳ 2020 – 2021
đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu, 2 lần là nước chủ nhà APEC (2006
và 2017); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm
2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 (2019). Về quan hệ
kinh tế, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã
công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham
gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển
hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có
các FTA “thế hệ mới” như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái
Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu
(EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Có thể khẳng định rằng, sau hơn 35
năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn,
đưa đến những thay đổi về chất trong thế và lực của đất nước. Đặc biệt, tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta
chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá
trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của
chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam
và xu thế phát triển của thời đại”. Mới đây, nhân chuyến công tác dự Hội nghị
Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc của Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trong cuộc
gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thành phố New York ngày 16/5, Phó Tổng
thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed đã khẳng định Việt Nam là đối tác quan
trọng và là người bạn của Liên hợp quốc, mong muốn hai bên tiếp tục phát triển
quan hệ toàn diện, hiệu quả hơn. Bà Amina Mohammed nhấn mạnh: “Tiếng nói của
Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế. Trong bối cảnh thế giới trải qua
nhiều khủng hoảng và khác biệt, Việt Nam luôn có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa
đa phương, hòa bình và cải cách Liên hợp quốc”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng,
những kết quả đã đạt được toàn diện sau hơn 35 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh
vực đã không ngừng nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế hơn lúc nào hết đang đánh giá rất cao vị thế, uy tín và tiếng
nói của Việt Nam. Chưa khi nào trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc
Việt Nam, chúng ta có được vị thế và uy tín quốc tế cao như hiện tại. Bởi vậy,
đừng chỉ dựa vào một vài tiêu chí kỹ thuật chưa tương thích liên quan đến hộ
chiếu mẫu mới của Việt Nam mà cố tình miệt thị, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp
danh dự, uy tín của Việt Nam. Những luận điệu trên chỉ là thiểu số và lạc lõng
của một số người thiếu thiện chí, định kiến, hằn học trước sự phát triển của
đất nước./.
(Nguồn: Hương Sen Việt)
0 comments:
Post a Comment