Tre
Việt - Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp hai kỳ thường lệ
mỗi năm và kỳ họp bất thường khi cần để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách.
Kỳ họp thường kỳ khai mạc vào ngày 20/5 và 20/10 hằng năm như Nội quy kỳ họp
Quốc hội đã ấn định; kỳ họp bất thường diễn ra giữa hai kỳ họp thường lệ liền
nhau. Và những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc
hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp bất thường
Quốc hội khóa XV
Ngay những ngày đầu năm mới 2023, dù
sát dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Quốc hội khóa XV đã quyết định tổ chức kỳ
họp bất thường là vì quốc kế dân sinh, sự phát triển của đất nước, nếu chúng ta
để việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội sáu tháng sau mới giải quyết thì tốc độ
phát triển của đất nước sẽ chậm ít nhất sáu tháng, chưa kể đến độ trễ trong quá
trình triển khai.
Chỉ trong thời gian từ ngày 05/01 –
09/01/2023, nhiều nội dung lớn, đặc biệt quan trọng, cấp bách tới quốc kế dân
sinh đều được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các
hồ sơ tài liệu, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng
góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao với gần 350
lượt đại biểu phát biểu qua 03 phiên thảo luận Tổ, 02 phiên thảo luận Đoàn và
07 phiên họp toàn thể.
Trong 05 nội dung trình Quốc hội tại
Kỳ họp bất thường lần này, có nội dung “rất lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm
và chưa có tiền lệ” là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Đây là vấn đề phức tạp, có phạm vi rộng, có tầm ảnh hưởng
lớn đến mọi cơ quan, bộ ngành, địa phương trên cả nước, liên quan trực tiếp đến
lợi ích của người dân. Quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành nhằm cụ thể
hóa các chủ trương, quan điểm được xác định tại Nghị quyết đại hội XIII của
Đảng, Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về
Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, các nghị quyết
của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển vùng, ngành, lĩnh vực. Đây
là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng
đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy
hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông
thôn trên cả nước.
Nghị quyết về quy hoạch tổng thể
quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ quan điểm, tầm
nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch,
trong đó tập trung vào một số định hướng cụ thể như: về phát triển không gian
kinh tế – xã hội; không gian biển; sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng
vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn
quốc gia; phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; sử
dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến
đổi khí hậu và danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, thứ tự ưu tiên
thực hiện và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Điểm nhấn khác của kỳ họp lần này là
việc thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) – lẽ ra đã được thông
qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua. Sau 3 kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc
hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời
các chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe Nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; khắc phục những hạn
chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao
chất lượng khám chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng;
phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; lấy người bệnh
làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng
cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước
về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Nội dung quan trọng cấp bách khác
được thông qua tại Kỳ họp này là Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính
sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số
30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm
thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy
định của Luật Dược. Có thể thấy, Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt
quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép:
vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế –
xã hội. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực
hiện nghị quyết vẫn còn những hạn chế. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết
này được mong đợi sẽ khắc phục những tồn tại, vướng mắc đối với các chính sách
đã thực hiện trong giai đoạn cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý được
tình trạng tồn đọng trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu
làm thuốc hiện nay.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã
thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện
trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh
dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế
và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa
phương nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của
Luật Ngân sách nhà nước.
Việc Quốc hội xem xét, quyết định 05
vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần
tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền
đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo. Thành công
của Kỳ họp tiếp tục thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết
liệt hành động vì lợi ích của Nhân dân của Quốc hội, góp phần đáp ứng mục tiêu
vì sự phát triển bền vững của đất nước, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân
vào các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước./.
0 comments:
Post a Comment