Aug 25, 2024

Đa nguyên chính trị không bao giờ là lựa chọn của Việt Nam

          Tre Việt - Kêu gọi Việt Nam đi theo con đường đa nguyên, đa đảng là luận điệu quen thuộc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Mới đây, mượn cớ luận bàn, “đánh giá” về di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bài viết “Gia tài” Nguyễn Phú Trọng của Âu Dương Tuệ đã lớn tiếng kêu gọi Việt Nam hãy từ bỏ ý thức hệ Mác – Lênin, tiến lên theo con đường dân chủ đa nguyên. Cần khẳng định: đây là luận điệu hết sức sai trái, sặc mùi phản động của Âu Dương Tuệ và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, cần đấu tranh, vạch trần, bác bỏ.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của nhân dân. Điều này được chính lịch sử dân tộc minh chứng. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tính mốc thời điểm từ ngày 01/9/1858, giới sử học thống kê đã có hơn 300 cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân nổ ra để phản kháng ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp xâm lược, nhưng cuối cùng tất cả hơn 300 cuộc đấu tranh đó đều thất bại, đều bị thực dân Pháp “dìm trong biển máu”. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi, mở đầu là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954) và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975 đã làm cho cả thế giới sửng sốt, ngỡ ngàng, bàng hoàng, phải thốt lên rằng “Why Vietnam”.

Lịch sử cũng minh chứng, trong giai đoạn 1945-1975, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cũng song song tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời năm 1944) và Đảng Xã hội Việt Nam (ra đời năm 1946) cả hai đảng này đều ủng hộ, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 1988, tự nhận thấy không còn vai trò gì với dân tộc nên đã tuyên bố tự giải tán. Ngoài ra, trong thời gian này, còn có sự tồn tại của nhiều đảng phái thân Pháp, thân Mỹ công khai đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng chính thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh không có một đảng nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh và trí tuệ để có thể lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công. Vậy thì lý do gì, hà cớ gì khi cách mạng thành công, chúng ta giành được chính quyền rồi lại trao chính quyền ấy vào tay một đảng phái khác?

Từ sau năm 1975 đến nay, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển toàn diện. Với bản lĩnh, trí tuệ của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, vượt qua khủng hoảng gay gắt về kinh tế - xã hội, trở thành một nước có trình độ phát triển trung bình. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng; quốc phòng, an ninh được giữ vững; văn hóa, xã hội có nhiều bước phát triển; vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những tiêu chí cao nhất trong hoạt động chính trị của một đảng cầm quyền. Những thành tựu đó một lần nữa khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước trên con đường đi tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chúng ta đều biết rằng trên thế giới hiện nay, có không ít những nước đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là những nước nghèo, kém phát triển nhất; ngược lại, cũng có những nước chỉ một đảng lãnh đạo, nhưng dân chủ vẫn được bảo đảm. Như ở Việt Nam hiện nay, thực hiện chế độ một đảng duy nhất cầm quyền nhưng dân chủ luôn được đảm bảo và phát huy. Bởi vì mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là ý chí, khát vọng cháy bỏng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn, chúng ta có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định bảo đảm sự ổn định và phát triển, tiến tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, đa đảng và đa nguyên chính trị không bao giờ là lựa chọn của Việt Nam!

 

 

0 comments:

Post a Comment