Jan 24, 2025

Bác bỏ thông tin bịa đặt của BPSOS về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

           Tre Việt - Mới đây, Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS) đã mở cuộc họp với “các cộng đồng tôn giáo độc lập trong nước và các cộng sự ở nước ngoài” để triển khai “chương trình lập hồ sơ chế tài những quan chức Việt Nam và những người tiếp tay cho họ trong các hành vi xâm phạm quyền tự do tôn giáo hoặc đàn áp xuyên quốc gia một cách có hệ thống và nghiêm trọng”. Đây là hành động ngang ngược, cố tình vu cáo, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cần bị vạch trần, bác bỏ. Bởi vì:

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng bảo đảm các quyền tự do tôn giáo cho người dân cả về mặt pháp lý và triển khai thực hiện trong đời sống xã hội. Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 là văn bản pháp lý cao nhất bảo đảm cho các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo diễn ra, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Thực tiễn đã cho thấy, các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng bào theo các tôn giáo được tự do tham gia xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, sống tốt đời, đẹp đạo, tạo nên bức tranh sinh động, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo Sách trắng về các tôn giáo Việt Nam được công bố năm 2023, hiện Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Ở Việt Nam còn có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau, như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, v.v.

Tuy nhiên, thời gian qua, ở các địa phương nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện những đạo lạ, tà đạo chưa đăng ký hoạt động và được cơ quan chức năng của Nhà nước cấp phép, song vẫn lén lút hoạt động, tổ chức truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng hoạt động tôn giáo tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kêu gọi biểu tình phản đối đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Do đó, công an các địa phương, các cơ quan báo chí,... theo nhiệm vụ, chức năng phải tiến hành kiểm tra, thông tin tuyên truyền, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật là việc làm hoàn toàn bình thường. Song lợi dụng vấn đề này, BPSOS đã quy chụp, suy diễn, lu loa rằng đó là: hành vi xâm phạm quyền tự do tôn giáo, đàn áp xuyên quốc gia một cách có hệ thống và nghiêm trọng; từ đó, lập hồ sơ chế tài những quan chức Việt Nam... là hành động ngang ngược, cố tình xuyên tạc, vu cáo tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Trong khi đó, thực chất BPSOS là một tổ chức phi chính phủ, núp bóng danh nghĩa hoạt động “từ thiện, trợ giúp người tị nạn” nhằm che đậy bản chất của tổ chức phản động lưu vong, luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Chúng tuyển lựa những phần tử có tư tưởng chống đối, bất mãn chế độ và dùng chính những người này như những “nhân chứng sống” để tiếp cận giới chức phương Tây, gửi những bản báo cáo, thỉnh nguyện thư, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo mặc dù những thông tin đó hoàn toàn thiếu căn cứ do chúng tự xuyên tạc, bịa đặt.

Vì thế, những thông tin do BPSOS đưa ra về tình hình tôn giáo ở Việt Nam là không đáng tin cậy, cần bị lên án, đấu tranh, bác bỏ./.

 

0 comments:

Post a Comment