Feb 12, 2025

Bác bỏ lập luận xảo trá về “dân chủ” của Trần Công Hoan

          Tre Việt - Trên trang “Anhemdanchu”  Trần Công Hoan có bài viết: “Khái niệm tự do và dân chủ đa đảng”, nhằm kích động, lôi kéo người dân gây rối trật tự xã hội, thành lập nhiều hội, nhóm,… tiến tới đòi dân chủ đa đảng ở Việt Nam, với mục đích: xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là luận điệu rất thâm độc, sai trái, hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào chứng minh, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.

          Trên phương diện lý luận, dân chủ và phát triển không phụ thuộc vào thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, hay do một đảng cầm quyền - lãnh đạo xã hội. Nói cách khác, một quốc gia thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng không hẳn là có dân chủ, không dẫn tới độc tài; ngược lại, một nước chỉ duy nhất có một đảng lãnh đạo - cầm quyền, cũng không có nghĩa rằng đó là chế độ độc tài, mất dân chủ. Do vậy, không phải cứ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì mới có dân chủ và không có đa nguyên, đa đảng thì không có dân chủ. Bởi, bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Theo đó, một đất nước có thể chế dù là nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay nhiều đảng, nhưng nếu chính đảng cầm quyền và nhà nước bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân thì xã hội đó có dân chủ thực sự. Mặt khác, ở các nước theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, về hình thức là dựa trên chế độ đa đảng, nhưng về bản chất vẫn dựa trên sự nhất nguyên chính trị; nghĩa là vẫn dựa trên chế độ một đảng - đảng tư sản. Đảng tư sản nào cầm quyền cũng là kết quả sự phân chia quyền lực giữa các phe phái của giai cấp tư sản, đại diện và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản là chủ yếu. Trên phương diện thực tiễn, có thể thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới theo chế độ đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, chính trị không ổn định, vẫn là những nước nghèo, kém phát triển, điển hình như nhiều nước ở châu Phi. Trong khi đó, nhiều quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng chính trị ổn định, dân chủ được phát huy, kinh tế - xã hội vẫn phát triển, đời sống nhân dân được đảm bảo và ngày càng cải thiện, như ở Trung Quốc và Việt Nam hiện nay. Lịch sử thế giới trong thế kỷ XX cũng cho thấy, trong những giai đoạn lịch sử nhất định, chính thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng lại gắn liền với các chế độ độc tài, hạn chế dân chủ như chế độ độc tài của Hitle nước Đức quốc xã, Mussolini nước Ý phát xít, Park Chung-hee Hàn Quốc, Pinochet Chile, Suharto Indonesia, v.v. Mặt khác, lịch sử cũng ghi nhận thời kỳ Tổng thống Park Chung-hee cầm quyền (1961 - 1979), duy trì chế độ độc tài, nhưng kinh tế Hàn Quốc vẫn có sự phát triển thần kỳ, từ một quốc gia đói nghèo với thu nhập bình quân đầu người năm 1961 chỉ 94 USD/năm đã tăng lên đến 1.784 USD/năm vào năm 1979, trở thành “con Rồng châu Á”. Điều đó cho thấy luận điểm “chế độ đa đảng thì có dân chủ và phát triển, còn một đảng thì mất dân chủ và cản trở sự phát triển” không thể đứng vững. Việc duy trì chế độ một đảng lãnh đạo - cầm quyền, hay đa đảng phụ thuộc vào những điều kiện chính trị, lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo,… cụ thể của mỗi dân tộc; và mỗi quốc gia, dân tộc lựa chọn thể chế chính trị nào, đa đảng hay một đảng là quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với Điều 1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị   Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được Liên hợp quốc thông qua.

          Thực hiện dân chủ nhân dân là yêu cầu nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ ngày thành lập tới nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa “dân là chủ” và “người dân làm chủ”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là động lực của cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực. Đảng ta luôn nhấn mạnh nhân dân làm chủ là bản chất của chủ nghĩa xã hội, kiên định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

          Những người có kiến thức về dân chủ đích thực đều nhận thức được rõ rằng: dân chủ là quyền tự quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại của đất nước của dân tộc; do vậy một nền dân chủ thực sự không phụ thuộc và chế độ đa đảng hay một đảng. Những lập luận xảo trá của Trần Công Hoan cần phải bị vach trần, đấu tranh, bác bỏ./.

0 comments:

Post a Comment