Mar 25, 2025

Việt Nam thăng hạng hạnh phúc - Sự thật không thể xuyên tạc

           Tre Việt - Ngày 24/3, trong bài viết “Chuyện hài xứ “thiên đường”: Việt Nam tăng 8 hạng trong Báo cáo hạnh phúc” đăng trên trang fanfage Việt Tân, Hạnh Nhân xuyên tạc, rằng: “không phản ánh đúng thực tế… hạnh phúc thì ngẫm thôi cũng quá xa vời”!

Như đã biết, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025 công bố ngày 19/3/2025 của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi vươn từ vị trí 54 (năm 2024) lên vị trí 46 (năm 2025) trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Sự phát triển kinh tế, xã hội và tinh thần của người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu, đã tạo nên một bức tranh xã hội đầy sức sống, thành quả này không chỉ thể hiện sự ổn định mà còn khẳng định Việt Nam đang tiến bộ vượt bậc, được thế giới công nhận qua những chỉ số khách quan. Đây không chỉ là một bước tiến đáng tự hào mà còn là minh chứng sống động đập tan những luận điệu xuyên tạc, bôi đen của Hạnh Nhân và các thế lực thù địch.

Báo cáo Hạnh phúc thế giới hằng năm do Viện Gallup, Trung tâm Nghiên cứu hạnh phúc Oxford và Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp quốc thực hiện, đánh giá dựa trên 06 tiêu chí, gồm: thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, lòng hào phóng, tự do cá nhân và nhận thức về tham nhũng. Việt Nam đã chứng minh được sự tiến bộ trên từng khía cạnh, phản ánh vai trò lãnh đạo hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Sự thăng hạng của Việt Nam trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025 không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là thành quả của những nỗ lực bền bỉ, đồng bộ của hệ thống chính trị Việt Nam trong suốt những năm qua.

Về kinh tế, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt hơn 4.300 USD, tăng gấp hơn 40 lần so với năm 1990. Dù chưa phải là con số cao nhất trong khu vực, mức sống thực tế của người dân vượt xa con số thống kê nhờ giá cả sinh hoạt thấp và chính sách hỗ trợ phát triển đồng đều.

Về hỗ trợ xã hội, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam đã được xây dựng đồng bộ qua gần 40 năm đổi mới. Thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội được thế giới thừa nhận, đánh giá cao là công tác xóa đói, giảm nghèo về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 60% (năm 1986) xuống còn 1,93% (năm 2024), trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Các chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ người có công và cứu trợ thiên tai kịp thời đã tạo nên một mạng lưới an toàn cho người dân. Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện rộng hơn về quy mô, đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng; đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. Năm 2023, đã có 100% số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, 100% số người dân bị thiệt hại do thiên tai được trợ giúp kịp thời, 99% số hộ Người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng và hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc. Hằng năm, Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân thiếu lương thực hàng chục nghìn tấn gạo. Gần đây nhất, trước hậu quả nặng nề của cơn bão Yagi gây ra, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo với tinh thần bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương 430 tỉ đồng và xuất cấp từ dự trữ quốc gia 432.585 tấn gạo để các địa phương, cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói. Và, mới đây, Đảng, Nhà nước đã quyết định chính sách miễn học phí từ mầm non đến trung học phổ thông công lập, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 là một bước đi đột phá nhằm đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết mà còn khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo phúc lợi, một yếu tố quan trọng trong tiêu chí “hỗ trợ xã hội” của Báo cáo Hạnh phúc thế giới.

Về chống tham nhũng, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với chiến dịch “đốt lò” do Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng. Từ năm 2016 đến nay, hàng nghìn cán bộ, bao gồm cả những cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật hoặc truy tố vì các hành vi tham nhũng; riêng năm 2023, hơn 2.500 vụ án tham nhũng đã được xử lý, thu hồi hàng chục nghìn tỉ đồng cho ngân sách. Cuộc chiến này không chỉ làm trong sạch bộ máy mà còn củng cố niềm tin của người dân, góp phần nâng cao chỉ số “nhận thức về tham nhũng” trong đánh giá hạnh phúc.

Về tự do cá nhân và lòng hào phóng, Việt Nam ghi điểm nhờ sự ổn định chính trị và văn hóa cộng đồng sâu sắc. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận được đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật, với hơn 95% dân số có quyền tiếp cận thông tin qua internet. Đồng thời, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt được thể hiện qua các hoạt động thiện nguyện, như quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyên góp hơn 1.500 tỉ đồng mỗi năm để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, v.v.

Việc Việt Nam tăng 08 bậc trong bảng xếp hạng hạnh phúc từ vị trí 54 lên vị trí 46 trong năm 2025 và đứng thứ hai Đông Nam Á chỉ sau Singapore, khẳng định thực tế sự phát triển vượt bậc của đất nước. Thực tế đó cũng chính là minh chứng sinh động, đầy thuyết phục; tự nó bác bỏ sự xuyên tạc của Hạnh Nhân và đồng bọn về chỉ số hạnh phúc ở Việt Nam./.


 

0 comments:

Post a Comment