Bóp méo, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách là những luận điệu, chiêu trò quen thuộc mà Việt Tân và các thế lực thù địch, phản động sử dụng để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhất là khi Đảng, Nhà nước ta thực hiện miễn học phí cho học sinh các trường công lập từ bậc học mẫu giáo đến hết trung học phổ thông, chúng xuyên tạc rằng: “giữa bão thuế phí, giảm học phí là trò xoa dịu dư luận”. Song, thực tiễn lại trái với những xuyên tạc của chúng, bởi lẽ:
1. Miễn học phí là một trong những quyết sách rất
nhân văn và có ý nghĩa lớn, chứ không thể đong đếm bằng những con số. Cần
khẳng định rằng, miễn học phí là một trong những quyết sách rất nhân văn và có
ý nghĩa lớn, một quyết định hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Theo thống
kê, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các
trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên), trong đó: 3,1 triệu học
sinh mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu học sinh mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh
tiểu học; 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở và 3 triệu học sinh trung học phổ
thông. Miễn học phí tạo động lực để hàng triệu gia đình có thêm điều kiện chăm
lo, đầu tư cho việc học tập cho con em; giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất
là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, làm cho giáo dục công bằng và
bình đẳng hơn. Qua đó, tác động tích cực đến chất lượng dân số, giáo dục và sự
phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Miễn học phí cũng mở ra cho ngành giáo
dục rất nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng toàn diện và môi trường học đường sẽ
sớm được văn minh, lành mạnh hơn, góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ và phát
triển bền vững, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, thể hiện tính ưu việt
của chế độ, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục, đào tạo và
phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển.
2. Miễn học phí là bước tiến cụ thể hóa chủ
trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu” của Đảng, Nhà nước ta, chứ không phải
là trò xoa dịu dư luận. Như chúng ta đã biết, xuyên suốt quá trình lãnh đạo
sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn kiên định quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc
sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc. Mới đây nhất, tại Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị một
lần nữa nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc
sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và “đầu tư cho
giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương
trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. Đặc biệt, Kết luận số 91-KL/TW
cũng chỉ rõ chủ trương: “Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện
cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm
ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách
nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh
tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng
của nền kinh tế”.
Trong bối cảnh Việt Nam đã chuyển từ một
quốc gia có thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, việc miễn học phí toàn quốc
đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc đảm bảo mọi trẻ em, bất kể hoàn cảnh
kinh tế gia đình, đều có quyền tiếp cận giáo dục cơ bản. Đây là một quyết sách
đột phá, không chỉ dừng ở việc miễn học phí cho tiểu học (theo Nghị định
81/2021/NĐ-CP) hay một số đối tượng đặc thù như hộ nghèo, dân tộc thiểu số, mà
mở rộng ra toàn bộ học sinh phổ thông công lập – một bước đi chưa từng có trong
lịch sử giáo dục Việt Nam, trực tiếp gỡ bỏ rào cản tài chính, vốn là nguyên nhân
chính khiến nhiều trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, phải bỏ học. Miễn học
phí sẽ là “cú hích” để đảm bảo quyền học tập cơ bản cho mọi trẻ em. Đồng thời,
thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai của
thế hệ trẻ. Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa công bằng xã hội, thu
hẹp khoảng cách vùng miền và phát triển nguồn nhân lực bền vững, nâng cao chất
lượng giáo dục và đào tạo. Chính sách miễn học phí cũng thể hiện tính ưu việt của
chế độ ta là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện đúng tinh thần bảo đảm
các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, trong đó có giáo dục theo Nghị quyết số
42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp
tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Tóm lại, miễn học phí cho học sinh công
lập từ mầm non đến hết giáo dục phổ thông của Đảng, Nhà nước ta là chính sách
thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc và giàu tính nhân văn. Mỗi người chúng ta cần
nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với mưu đồ xuyên tạc chính sách miễn học
phí của Việt Tân và các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân
Việt Nam./.
0 comments:
Post a Comment