Mar 21, 2017

Một bản báo cáo lạc lõng của Bộ Ngoại giao Mỹ

Tre Việt - Vừa qua Bộ Ngoại giao Mỹ tung ra cái gọi là “Báo cáo tình hình nhân quyền thường niên năm 2016”. Báo cáo này đã bị đại đa số các nước trên thế giới phản ứng mạnh mẽ, trong đó có Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, v.v. Phần về Việt Nam, với nhiều chứng cứ thiếu khách quan, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những nhận định mang đầy định kiến, không phản ánh đúng sự thật cũng như đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam. Vì vậy, Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”. Đây là một phát biểu hết sức đúng đắn. Vì sao vậy?

Ai cũng biết rằng, nhân quyền là giá trị chung của nhân loại và hiện nay là vấn đề mang tính toàn cầu. Tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy thực hiện nhân quyền là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế hay sự khác biệt về văn hóa, dân tộc, phạm vi lãnh thổ quốc gia. Đối với Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ cách mạng dân tộc, dân chủ đến công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để mọi người dân có được sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản; đồng thời, coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Vì vậy, quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam được bảo đảm hài hòa thống nhất giữa các quy định pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế, đạt được những thành tựu quan trọng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Thời gian qua, Việt nam, có tình hình chính trị ổn định, nhân dân tin tưởng vào chế độ, sự quản lý, điều hành của chính phủ; có tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, thu nhập bình quân đầu người từ 1.024 USD/năm (2008) đã tăng lên 2.215 USD (2016), gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình từ năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,7% năm 2008 còn dưới 5% vào 2015. Việt Nam tham gia các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người và tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của người dân. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia 20 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 05 Công ước cơ bản về lao động, việc làm (như: lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử,…); đồng thời, nghiêm túc thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về quyền con người của Liên hợp quốc. Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm thành viên tại nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người, như: Hội đồng Nhân quyền 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội 2016-2018,… Tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam được các quốc gia đánh giá cao về cách tiếp cận, ủng hộ đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người, nhất là những vấn đề liên quan tới quyền kinh tế - xã hội, quyền phát triển. Cùng với đó, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, hội họp, v.v. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ Việt Nam có 858 cơ quan báo in, 105 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp, 66 đài phát thanh, truyền hình; đồng thời, có 75 kênh truyền hình nước ngoài, 20 cơ quan thông tấn báo chí có cơ quan thường trú tại Việt Nam. Còn về Hội, Việt Nam có khoảng hơn 52.500 hội và hiện dự thảo Luật về Hội đang được các cơ quan chức năng xây dựng, lấy ý kiến nhân dân và sẽ trình Quốc hội thông qua trong thời gian thích hợp. Việt Nam còn đạt nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, v.v. Những con số này phản ánh việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi là: trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.

Như vậy, nói bản báo cáo nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là mang đầy định kiến, lạc lõng là chính xác. Nó không phản ánh tiếng nói trung thực của cộng đồng quốc tế và những thành tựu đảm bảo quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam./.

3 comments:

sonnguyen said...

Cái thói chõ mũi vào nhà người khác rồi nói bậy là nghề của Mỹ. Cái thói này cần đập cho tơi bời luôn.

Nguyên Quang said...

Mình chắc mấy tay chuyên "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", nói bừa, nói càn này sẽ được ông Trăm cho về vườn hết! he he

Loa biểu diễn said...

Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

Post a Comment