Tre Việt - Dư luận quốc tế và trong nước những ngày này có nhiều bình luận, đánh giá tích cực về chuyến thăm, làm việc tại Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua. Tuy nhiên, lợi dụng sự kiện này, kênh VOA tiếng Việt ngày 02/11 đăng bài: “Sau “cuộc chầu thánh thể” tại Bắc Kinh của ông Trọng…” của Trần Đông A. Trong bài viết, Trần Đông A đã sử dụng những từ ngữ, như: “cuộc chầu chánh thể”, “não trạng quan phương bị quy phục”,… để miêu tả về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc. Đây là những từ ngữ không phù hợp, cho thấy nhận thức ấu trĩ, lệch lạc, tư tưởng sai trái.
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước
của dân tộc Việt Nam, đất nước ta phải chịu gần một nghìn năm xâm chiếm, đô hộ
của các triều đại phong kiến phương Bắc; gần một trăm năm dưới ách xâm lược,
cai trị, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Song, dân tộc ta chưa bao giờ
chịu khuất phục về ý chí đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, không bị đồng hóa
về bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
Bác Hồ, nhân dân ta đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng
lòng kháng chiến, đánh bại kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất
nước, non sông thu về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trải qua
các giai đoạn phát triển, mặc dù có những bước thăng trầm, nhưng Đảng, Nhà nước
ta đã chủ động đổi mới, phát triển tư duy, đề ra đường lối đối ngoại phù hợp
tình hình thế giới, khu vực, đất nước. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng
hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, vì
hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Với chủ trương đó, những năm
qua, Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế. Việt Nam đã thiết
lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, được cộng
đồng quốc tế tin tưởng bầu, đảm nhiệm giữ các vị trí quan trọng của Liên hợp quốc
và khu vực, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành
viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, v.v. Dù đảm nhiệm vị
trí nào, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đưa ra nhiều đề
xuất, sáng kiến hay vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việt
Nam còn đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế lớn, như:
APEC, Thượng định Mỹ - Triều, Cấp cao ASEAN, v.v. Thực tế đó đã khẳng định: đất
nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín như hiện nay; Việt Nam không
hề phụ thuộc, lệ thuộc hay bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào, quốc gia
nào.
Đối với Trung Quốc là nước lớn, nước láng giềng, “núi
liền núi, sông liền sông” với Việt Nam. Vì thế, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta chủ
trương xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện
trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và
trên thế giới. Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng được khẳng định,
phát triển thông qua các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước,
hoạt động phối hợp, giao lưu, ký kết trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị,
văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… cũng như hoạt động ngoại giao
nhân giữa hai nước. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cấp cao đầu
tiên đến thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận
Bình ngay sau khi nước bạn tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX
là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa Việt Nam - Trung
Quốc và đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Vì thế, việc Trần Đông A cố tình suy diễn, xuyên tạc
chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mối quan hệ ngoại
giao Việt Nam - Trung Quốc đã lộ rõ nhận thức ấu trĩ, lệch lạc, tư tưởng “bài
Trung”, có hại cho đất nước, cần phê phán, đấu tranh, bác bỏ./.
0 comments:
Post a Comment