Dec 15, 2024

Sự vu cáo trắng trợn về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

         Tre Việt – Ngày 12/12, trang facebook Đài RFA đăng bài: “Báo động tình trạng Việt Nam gia tăng đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập”, trong đó đưa thông tin: Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) của Mỹ vừa ra thông cáo báo chí báo động về tình trạng đàn áp đang gia tăng đối với các nhóm độc lập tại Việt Nam bao gồm Phật giáo của người Khmer Krom, Tin Lành của người Thượng, đạo Cao Đài và những nhóm đạo khác. Đây là thông tin không chính xác, cố tình vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo của USCIRF.

Là đất nước đa tôn giáo, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm bảo đảm các tôn giáo hoạt động bình đẳng theo Hiến pháp, pháp luật; mọi người dân được tự do tín ngưỡng tôn giáo. Điều đó được thể hiện rõ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 củaBan Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo đã khẳng định: thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “tôn giáo là một nguồn lực xã hội”, khẳng định quan điểm: tiếp tục phát huy vai trò, tác động tích cực của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội (khóa 14) thông qua ngày 18/11/2016 đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là: 1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Như vậy, với quan điểm nhất quán cùng hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ đã tạo hành lang pháp lý, cơ sở để các tôn giáo đăng ký, cấp phép hoạt động. Theo Sách trắng về các tôn giáo Việt Nam được công bố năm 2023, hiện Việt Nam có: trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Ở Việt Nam còn có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau, như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha'i,v.v. Thực tiễn về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam là bức tranh sinh động, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí của USCIRF lại cho rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo thông qua việc xét xử 09 người Khmer Krom ở Vĩnh Long hay sự việc hai người Ê-đê đứng đầu nhóm Tin Lành ở Tây Nguyên bị tấn công là không phản ánh đúng bản chất của vụ việc. Bởi, sự thật là: các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Long đã bắt giữ, điều tra, xét xử đưa ra xét xử 09 người Khmer Krom là đúng người, đúng tội. Theo cáo trạng, chiều 22/11/2023, Tổ công tác của UBND huyện Tam Bình đến nắm tình hình, giải quyết sự việc xảy ra tại chùa Đại Thọ. Khi Tổ công tác đi vào bên trong khuôn viên chùa làm việc nhưng những người trong chùa không chấp hành. Thực hiện chỉ đạo của Thạch Chanh Đa Ra, các bị cáo còn lại đã khóa cổng chính lại. Sau đó, Thạch Chanh Đa Ra và các bị cáo đã có nhiều lời lẽ to tiếng, khống chế, kéo, đẩy các thành viên Tổ công tác phải vào chánh điện xin lỗi Thạch Chanh Đa Ra. Tổ công tác kháng cự thì bị một số đối tượng dùng vũ lực gây thương tích. Như vậy, những công dân này đã lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước và bắt, giữ người trái pháp luật. Hay, khi phát hiện 02 người Ê-đê đứng đầu nhóm Tin Lành ở Tây Nguyên tổ chức sinh hoạt, truyền đạo trái phép, vi phạm pháp luật. Do đó, lực lượng chức năng đến tuyên truyền, giải thích, đề nghị giải tán là đúng quy định của pháp luật, không có chuyện đánh đập, gây thương tích.

Vì thế, việc USCIRF chỉ dựa vào những thông tin phiến diện, không khách quan, chính xác rồi đưa ra thông cáo báo chí nêu trên là sự vu cáo trắng trợn về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, cần lên án, đấu tranh, bác bỏ./.

 

0 comments:

Post a Comment