Mar 12, 2025

Vũ Đức Khanh lại “nói càn”

         Tre Việt - Lợi dụng sự thay đổi về nhân sự của Đảng, đặc biệt là những cán bộ chủ chốt cấp Trung ương, mới đây Vũ Đức Khanh có bài viết đăng trên trang Baotiengdan, trong đó Y nói càn rằng, ở Việt Nam “đang bất ổn chính trị”, “tranh giành quyền lực”. Cần khẳng định rõ: đây là luận điệu sai trái, lạc lõng hòng xuyên tạc tình hình nhân sự của Đảng ta, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, thao túng tâm lý một bộ phận quần chúng nhân dân, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; hạ thấp uy tín, dẫn đến phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Trước hết, công tác nhân sự của Đảng xuất phát từ quan điểm “cán bộ là gốc của mọi công việc” và việc thay đổi, sắp xếp nhân sự trong bộ máy lãnh đạo là công tác thường xuyên, nhằm làm cho Đảng ta luôn đủ sức lãnh đạo, bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đây cũng là việc làm hợp quy luật. Do vậy, việc miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức vụ đối với những đảng viên không còn đủ uy tín và bầu những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, nhất là các vị trí chủ chốt trong Đảng là rất cần thiết. Thực hiện tốt công tác này sẽ xây dựng một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang, nhưng rất nặng nề của mình là: lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị của mình, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc. Không chỉ thế, thông qua công tác này, Đảng ta còn xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. Mỗi cán bộ, đảng viên là một tấm gương nói đi đôi với làm, thân dân và trọng dân. Người cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân. Gần dân là để học dân, nghe dân nói, đó là phương châm của người cán bộ, đảng viên. Gần dân sẽ tránh được căn bệnh quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh, lắng nghe tâm tư, ý kiến của dân. Từ đó xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng thuận để mọi người dân chung sức, đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với kết quả cao nhất.

Thứ hai, thực tiễn cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới, Đảng, nhân dân ta đang đứng trước nguy cơ lớn là tình trạng quan liêu, xa rời nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, tham nhũng, tiêu cực gây bất bình trong xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng; các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này tìm đủ mọi chiêu trò phá hoại, công kích hòng gây chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Vì vậy, giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng là phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, đại biểu trung thành cho lợi ích của toàn thể dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu thường xuyên qua từng thời kỳ cách mạng với những mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp thực hiện khác nhau.

Thứ ba, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ là việc diễn ra bình thường, không chỉ ở Việt Nam, mà ở các nước trên thế giới, không phải đến bây giờ mới có mà đã có từ trước. Sau cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Đảng (1955 – 1956), đồng chí Lê Văn Lương tự nhận thấy có phần trách nhiệm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng đã xin tự rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo cao nhất trong Ban Chỉ đạo cải cách ruộng đất cũng nhận trách nhiệm về mình, như: Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, v.v. Hiện nay, vấn đề miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ các chức vụ đã được đặt ra trong các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, Quy định số 41 ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã nêu rõ, căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức. Nên, việc miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ các chức vụ đối với cán bộ thời gian qua là hoàn toàn đúng theo quy định và trên thực tế đã mang lại những tác động tích cực, được dư luận xã hội đồng tình. Công tác này được Đảng ta được thực hiện một cách dân chủ, chặt chẽ, khách quan, minh bạch.

Như vậy, có thể thấy, việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán là việc bình thường, cùng với việc lựa chọn, rèn luyện cán bộ, Đảng ta cũng thẳng thắn, đánh giá chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ để họ sửa chữa. Đối với những cán bộ không còn đủ uy tín, việc xin thôi giữ chức vụ cũng không hề khó hiểu. Điều này cho thấy, công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện một cách nghiêm túc, loại bỏ tư tưởng chỉ có lên không có xuống, đã lên rồi thì rất khó xuống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ các chức vụ của cán bộ hoàn toàn không thể và không phải do bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào có thể ép buộc, áp đặt một cách vô căn cứ. Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ căn cứ pháp lý đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, đó là hoạt động bình thường trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chứ không phải là “tranh giành quyền lực”, “loại bỏ đối thủ chính trị” như những gì Vũ Đức Khanh nhắm mắt nói càn./.

 

0 comments:

Post a Comment